MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều gì khiến quỹ ngoại tỉ đô vẫn ôm tiền mặt cao kỷ lục?

Đức Mạnh LDO | 27/05/2022 18:43

Tỉ trọng tiền mặt của quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited đã liên tục tăng mạnh từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 5.2022 bất chấp thị trường chứng khoán hồi phục.

Theo báo cáo mới nhất, tỉ trọng tiền mặt của quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý ngày 19.5 là 8,71%, tương đương 184,6 triệu USD, tức 4.246 tỉ đồng. Đây là ngưỡng cao nhất của quỹ ngoại này trong nhiều năm trở lại đây.

Động thái nâng tỉ trọng tiền mặt của VEIL diễn ra từ nửa cuối tháng 4 và tăng mạnh vào đầu tháng 5. Trong tuần trước đó (5 - 12.5), VN-Index thủng vùng 1.200 điểm quan trọng, tỉ lệ tiền trong danh mục của quỹ là 6,56%, cao hơn mức 6,38% hồi tháng 5.2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Tỉ lệ tiền tại VEIL vọt mạnh chủ yếu do quỹ bán ròng và một phần do tổng giá trị tài sản ròng (NAV) sụt giảm mạnh khi thị trường giảm sâu.

Theo quan sát, VEIL có 5 tuần bán ròng liên tiếp để thu về lượng tiền mặt hơn 150 triệu USD. Riêng tuần (12 - 19.5), quỹ bán ròng khoảng 43,65 triệu USD (tương đương 1.013 tỉ đồng).

Tại ngày 19.5, NAV của VEIL là 2.119 tỉ USD, tương đương lượng tiền mặt là 184,5 triệu USD. Đây là quy mô tài sản thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Trong quý đầu năm nay, giá trị danh mục đầu tư của VEIL duy trì trên ngưỡng 2,5 tỉ USD, đạt mức đỉnh 2,65 tỉ USD tại ngày 10.2.

Với diễn biến của thị trường, danh mục đầu tư của VEIL ghi nhận hiệu suất âm 17,04%, chênh 1% so với mức giảm 18,14% của chỉ số VN-Index.  

Với việc nắm giữ tỉ trọng tiền mặt khủng, VEIL khả năng sẽ có một đợt “đảo hàng” mạnh mẽ. Hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư diễn ra không riêng với VEIL mà còn tại các quỹ thành viên của nhóm Dragon Capital và quỹ trong danh mục quản lý.

Trong những lần trước đó, VEIL sớm giải ngân trở lại thị trường khi tỉ trọng tiền mặt trong danh mục vượt ngưỡng 5%.

  Top 10 mã chứng khoán trong danh mục đầu tư của quỹ VEIL.

Về cơ cấu danh mục của VEIL, quỹ này hiện đang nắm giữ nhiều bluechip như VPB, MWG, ACB, HPG, VHM… Số lượng cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn đầu trong top 10 với 4 mã, sau đó là bất động sản và F&B. Riêng TCB đã bị loại ra và thay thế bằng VIC.

Dù đầu tư thua lỗ và liên tục nâng tỉ trọng tiền mặt nhưng Dragon Capital vẫn đưa ra những nhận định khả quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, P/E hiện đã về mức giá khá rẻ với 11,x lần ở vùng chỉ số 1.200 điểm. Đồng thời, các chỉ báo về kỹ thuật cũng đã về vùng quá bán cùng mức thanh khoản xuống thấp đáng kể, giảm 40% so với bình quân 2021. Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định và hồi phục tương đối tốt.

"Chúng tôi nhận định thị trường đã giảm về vùng định giá hấp dẫn và đang có dấu hiệu quá bán. Nhà đầu tư nên chủ động tái cơ cấu danh mục để tận dụng tốt đợt điều chỉnh mạnh này của thị trường, tăng tỉ trọng các nhóm ngành và doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong thời gian tới", nhóm phân tích của Dragon Capital bày tỏ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn