MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều ít biết về người khai sinh, đưa quýt hồng Lai Vung thành kiểng trưng Tết

Lâm Điền LDO | 24/01/2023 18:55
Đồng Tháp – Thật bất ngờ khi biết trước khi khai sinh nghề "đưa quýt hồng Lai Vung thành kiểng trưng Tết", ông là người “ngoại đạo”.

Độc lạ, đắt hàng

“Sau 30 tháng từ lúc chiết cành, mỗi chậu quýt hồng mang về hơn 1 triệu đồng tiền lời”. Bài toán lợi nhuận “khủng” đã thôi thúc chúng tôi truy tìm “ông tổ” khai sinh nghề "đưa quýt hồng từ cây ăn trái trở thành kiểng trưng Tết".

Quýt hồng Lai Vung có vị thanh ngọt và màu vàng tươi hợp với quan niệm cát tường. Ảnh: Lâm Điền

Ông là Lưu Văn Ràng, hiện bước vào tuổi xưa nay hiếm (sinh năm 1952) và tự cho phép mình “nghỉ hưu” tại TP Sa Đéc, nhưng giới trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung vẫn nhớ đến ông như người khai mở nghề "đưa quýt hồng từ loại cây ăn trái thành kiểng trưng Tết".

Với vỏ vàng tươi, tên gọi phù hợp với quan niệm “cát tường”, nhất là khi ăn, trái cho vị ngọt thanh… nên quýt hồng Lai Vung được xem là ưu tiên hàng đầu trong mâm ngũ quả trưng ngày Tết.

Ông Lưu Văn Ràng, người đầu tiên đưa quýt hồng Lai Vung lên chậu thành kiểng trưng Tết. Ảnh: Lâm Điền

Đặc biệt vài năm gần đây, hơn cả phần trái, cây quýt hồng Lai Vung vô chậu trưng Tết trở thành đặc sản. Mỗi cây chỉ cao trên dưới 1m, trong chậu bé xíu, nhưng cho đến 30-50 trái với chất lượng hương vị và màu sắc tương tự như cây quýt hồng truyền thống.

Vì vậy, bất chấp giá ở mức ngất ngưởng: 2 - 3,5 triệu đồng/chậu loại I (cây cao trên 1m, có từ 50-70 trái/cây), không chỉ có người địa phương mà còn có người ngoài tỉnh, thậm chí ở tận TPHCM săn tìm, đặt hàng từ 12 tháng trước thời điểm Tết.

Trở thành người trồng quýt hồng bất đắc dĩ, ông Ràng phải “chạy nước rút” để theo kịp mặt bằng chung. Ảnh: Lâm Điền

Người “ngoại đạo” thành công

Với việc sáng tạo đưa quýt hồng vô chậu làm cây kiểng trưng Tết, ông Ràng không chỉ khai sinh nghề mới mang lại thu nhập cao cho hàng chục nhà vườn, mà còn tạo thêm sản phẩm ngày Tết ngày một phong phú, đa dạng hơn. 

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước đó, ông là người “ngoại đạo” với cây quýt và con đường đưa ông đến với cây quýt cũng hết sức thú vị.

Khoảng năm 2000, do những trục trặc trong làm ăn, hết cách trả lại số tiền đã mượn trước đó, người bạn “ép” ông nhận 6 công đất trồng quýt ở xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung).

Chính máu mê kiểng bon - sai đã dẫn đường, đưa ông Ràng đến với nghề "đưa quýt hồng lên chậu". Ảnh: Lâm Điền

Bị trở thành nhà vườn một cách “bất đắc dĩ”, ông Ràng phải “chạy nước rút” để làm quen và theo kịp mặt bằng chung. Đến khi đuổi kịp mọi người thì ông vướng khó khăn mới. 

Do vị trí khu vườn nằm ở vùng sâu, đường đi chật hẹp nên bị “lép vế” về thương mại. Nhưng với chí vươn lên, ông Ràng tìm cách tháo gỡ và thật tình cờ, chính cái thú chơi cây kiểng bon-sai ngấm vào máu đã dẫn dắt ông gắn bó với nghề "biến quýt hồng thành cây kiểng" trưng Tết.

Để biến cành chiết thành cây quýt hồng bon-sai, đòi hỏi nhiều công đoạn, trong đó có công đoạn quan trọng là tạo tán để cây đươm trái đẹp mắt. Ảnh: Lâm Điền

Trong một lần cắt cành chiết, thấy nhánh cây có dáng thế đẹp, ông Ràng đưa vô chậu trồng thử. Và thật bất ngờ, sau 30 tháng chăm sóc, nhánh quýt đươm hàng chục trái vàng tươi. Mang về nhà trưng Tết, thấy nhiều người trầm trồ và mong muốn…, ông nảy ra ý định mở rộng.

Năm 2005 đánh dấu sự ra đời của dịch vụ cung cấp quýt hồng kiểng đầu tiên xứ Lai Vung. Thành công ngay lần đầu đã thôi thúc ông tăng tốc và cũng từ đó khai mở cả làng nghề "đưa quýt hồng vô chậu".  

Chậu quýt hồng sau khi được chỉnh sửa tán. Ảnh: Lâm Điền

“Thông thường, khi trồng trên đất, phải đến năm thứ 4, cây quýt ra trái, thế nhưng khi đưa vào chậu chật hẹp, chỉ sau 2 năm chiết cành đã cho nhiều trái, nhưng đòi hỏi tay nghề cao.

Hơn thế nữa, để tạo ra cây đẹp, còn đỏi hỏi kỹ năng tạo tán, tạo dáng của người chơi kiểng điêu luyện. Ông Ràng có cả 2 yếu tố này nên đã thành công”, Th.S Nguyễn Phước Tuyên – nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp nói về nhà nông Lưu Văn Ràng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn