MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giá xăng dầu tăng mạnh, các bến xe của Hà Nội luôn vắng khách. Ảnh: GT

DN vận tải trước nguy cơ phá sản: Cần biện pháp bình ổn giá xăng dầu

Đặng Tiến LDO | 11/03/2022 11:54

Trong khi tình trạng hoạt động vận tải hành khách chưa có dấu hiệu hồi phục, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đối diện với việc phải dừng hoạt động vì khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Cộng Thương phải có trách nhiệm điều chỉnh, bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ các DN vận tải khách.

Doanh thu vận tải khách sụt giảm mạnh

Theo Sở GTVT Hà Nội, tác động phức tạp của dịch COVID-19 khiến lượng khách qua các bến xe ở Hà Nội tiếp tục giảm mạnh trong những tháng đầu năm, về cả sản lượng và doanh thu.

Cụ thể, lượng hành khách vận chuyển chỉ đạt 46,7 triệu lượt, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm 2021; số hành khách luân chuyển đạt 1,143 triệu lượt, giảm 26,6%. Trong khi đó, doanh thu từ vận tải khách chỉ đạt 2.314 tỉ đồng, giảm hơn 29%.

Khác với vận tải khách, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 2.2022 đạt khoảng 93,3 triệu tấn (tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021); khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt khoảng 9,541 triệu tấn (tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Ước tính vận tải hàng hóa đạt 5.420 tỉ đồng (tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và Nước Ngầm hiện nay nhu cầu đi lại của người dân rất thấp. Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước ngầm (Hà Nội) cho biết, hiện lượng xe vào/ra bến chỉ bằng ¼ thời kỳ trước dịch.

Cùng đó, lượng xe xuất bến cũng rất ít khách, do nhiều nguyên nhân như dịch bệnh COVID-19, xe cá nhân, xe hợp đồng trá hình… và đặc biệt là giá xăng dầu tăng mạnh thời gian vừa qua khiến các nhà xe vô cùng khó khăn và đã có nhiều nhà xe dừng hoạt động.

"Hiện giá xăng dầu tăng cao càng khiến lượng khách qua bến giảm hơn. Do vậy, nhiều nhà xe tiếp tục cắt giảm xe vào bến. Chúng tôi chỉ biết mong chờ dịch ổn định để hoạt động vận tải khách bình thường trở lại" - ông Lập cho hay.

Bộ Công Thương cần có giải pháp kịp thời

Theo ông Đỗ Văn Bằng (chủ hãng xe Sao Việt), để cứu các doanh nghiệp vận tải không bị phá sản do giá xăng dầu “leo thang”, Bộ Công Thương cần khẩn trương có kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.

Tiếp tục xem xét giảm phí môi trường, tiến tới tạm thời dừng thu phí bảo vệ môi trường, có như vậy mới có thể giúp được việc bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Cũng theo ông Bằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện lượng khách đi lại quá ít do đó việc tăng giá vé là không thể. Cùng đó, DN cũng vẫn đang phải chờ đợi và nghe ngóng, nếu giá xăng dầu luôn biến động như hiện nay thì rất khó đề xuất tăng giá vì muốn tăng giá cước vận chuyển DN phải gửi công văn đến chi cục thuế nơi DN đăng ký kinh doanh, Sở GTVT, Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính…

Sau khi những đơn vị này thẩm định giá xong và có văn bản trả lời thì DN mới có thể ra quyết định tăng giá vé. “Do vậy, nếu tăng giá vào thời điểm này sẽ mất thời gian cho cả cơ quan quản lý và DN” - ông Bằng cho hay.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có chính sách kịp thời để kìm hãm đà tăng của xăng dầu. Cụ thể là sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, các khoản thuế, phí… để kiềm chế sự tăng giá quá xốc hiện nay, giảm bớt khó khăn cho DN vận tải.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hải Phòng - ông Khúc Hữu Thanh Hải cũng cho rằng, giá xăng dầu tăng do thời điểm hiện tại đang căng thẳng giữa Nga và Ukraina chỉ là tức thời, không thể kéo dài mãi được.

Điều nguy hiểm là nếu chúng ta không sử dụng Quỹ bình ổn và giảm thuế nhập khẩu để giá xăng dầu tăng cao, khi đã tăng cao sẽ kéo theo các mặt hàng sẽ tăng theo. Do đó, Chính phủ nên xem xét để giữ giá xăng dầu ở mức thấp nhất có thể vì bản thân các DN cũng đang rất khó khăn do tình hình dịch bệnh.

Giá xăng dầu tăng mạnh nhưng việc điều chỉnh giá cước đối với doanh nghiệp là không hề dễ dàng. Trong khi tình trạng hoạt động vận tải hành khách chưa có dấu hiệu hồi phục khi người dân vẫn còn e ngại về dịch bệnh. Nhiều DN vận tải hành khách hoạt động cầm chừng suốt nhiều tháng qua đang đối diện với việc phải dừng hoạt động...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn