MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

DN xăng dầu than khó vì càng bán càng lỗ, Bộ Công Thương ra thông báo nóng

Anh Tuấn LDO | 25/08/2022 20:35

Xăng dầu liên tục giảm giá là thông tin vui đối với người tiêu dùng. Song với sự biến động khó lường của giá dầu thế giới, cùng những bất cập trong quản lý, không ít doanh nghiệp xăng dầu trong tình cảnh càng bán càng lỗ.

Chiết khấu về 0, doanh nghiệp xăng dầu lỗ nặng

Thông tin từ các thương nhân phân phối xăng dầu cho thấy, mức chiết khấu (tiền hoa hồng) từ các doanh nghiệp đầu mối đang ở mức rất thấp, thậm chí doanh nghiệp phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải bù lỗ để có hàng bán cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Cửa hàng bán lẻ xăng dầu La Khê (Công ty TNHH Xăng dầu Xuân Thắng) cho biết, hiện nay, chiết khấu xăng RON 95, E5 và dầu DO về 0, cộng thêm các chi phí định mức, chi phí vận chuyển, doanh nghiệp hiện đang lỗ khoảng 300 đồng mỗi lít. Mỗi ngày bán ra hàng nghìn lít xăng, nhưng càng bán nhiều, doanh nghiệp càng lỗ.

Doanh nghiệp xăng dầu lỗ vì chiết khấu về 0. Ảnh: Hải Nguyễn 

"Đóng cửa thì mất khách nên dù khó khăn hay lỗ chúng tôi cũng phải chấp nhận"

Theo ông Thắng, nguồn cung xăng dầu thời gian qua có nhiều bất cập. Tình trạng khan hàng vẫn diễn ra. Để đảm bảo thông suốt nguồn cung, ông tìm nguồn khác thay thế nhưng sẽ phải chấp nhận lỗ khoảng 100 đồng mỗi lít trên giá và thêm 200 đồng tiền vận chuyển để có hàng bán.

Ông này tính toán, bán mỗi lít xăng, doanh nghiệp âm khoảng 350 đồng. "Đóng cửa thì mất khách nên dù khó khăn hay lỗ chúng tôi cũng phải chấp nhận. Lấy một chuyến hàng giờ có hôm phải đi 3 kho mới đủ. Mất thời gian lắm" - ông Thắng chia sẻ.

Lý giải thêm về chuyện nguồn cung hiện nay, ông Nguyễn Văn Minh - một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp đầu mối sẽ ưu tiên cấp hàng cho đơn vị trong hệ thống. Việc bán cho một số doanh nghiệp phân phối sẽ không được ưu tiên bởi các đơn vị này "lúc nhập hàng chỗ này, lúc nhập hàng chỗ khác".

"Là đơn vị trung gian, chúng tôi buộc phải lấy nhiều nơi. Ở thời điểm thị trường ổn định, nếu có đơn vị chiết khấu cao hơn, chúng tôi phải chuyển sang lấy ở đó để đảm bảo mức độ cạnh tranh, không thì cũng không bán được hàng.

Cơ bản cũng không đến mức không có hàng bán. Vẫn có hàng, nhưng chiết khấu thấp, không ai mặn mà", ông Minh nhận xét.

Nguồn cung của các đại lý cũng bị ảnh hưởng bởi thông tin 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép. Tuy nhiên, do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chậm công bố thông tin, dẫn đến việc nhiều tổng đại lý, đại lý không kịp tìm nguồn thay thế.

"Nhẽ ra khi tước giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thông báo trước ít nhất 10 ngày để nhà máy lọc dầu, thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu dừng ngay giao dịch mua bán, kinh doanh với các thương nhân đầu mối bị tước. 

Còn các tổng đại lý, đại lý của những thương nhân đầu mối bị tước giấy phép chuyển đổi nguồn, lấy hàng từ những thương nhân đầu mối không bị tước giấy phép", một thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết.

Liên quan vấn đề này, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu. Để đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho thị trường, Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối và thương nhân phân phối chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường. 

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống. 

Chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, khách hàng một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn cung ứng. Bộ cũng yêu cầu các thương nhân thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Trong trường hợp có khó khăn vướng mắc, cần báo cáo kịp thời về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn