MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá trị xuất khẩu lâm sản chính tháng 7.2018 ước đạt trên 681 triệu USD, tạo phấn khởi cho nhiều DN. Ảnh PV

Đồ gỗ Việt Nam xuất siêu 3,52 tỉ USD, chinh phục 120 quốc gia và vùng lãnh thổ

Kh.V LDO | 02/08/2018 17:02
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính trong 7 tháng năm 2018 đạt 5,025 tỉ USD, tương đương gần 56% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp. 

Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 7 tháng ước đạt 3,77 tỉ USD, riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỉ USD.

Trong 7 tháng, giá trị xuất khẩu lâm sản chính liên tục giữ mức tăng trưởng trung bình trên 14% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 7 tháng đạt 1,24 tỉ USD, chỉ tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu lâm sản 7 tháng đầu năm 2018. Nguồn: TCLN

Với giá trị xuất siêu lâm sản đạt 3,77 tỉ USD, XK lâm sản đã đứng đầu trong nhóm hàng “xuất khẩu tỉ đô” của ngành nông nghiệp,  thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, XK gỗ và lâm sản ngoài gỗ, cũng như của toàn ngành lâm nghiệp trong việc phát triển trồng rừng sản xuất, đảm bảo nguồn cung gỗ chất lượng và hợp pháp phục vụ xuất khẩu.

Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm lâm sản chính gồm: Gỗ thành phẩm, dăm gỗ, các loại gỗ khác và một số mặt hàng lâm sản ngoài gỗ như mây, tre, cói, thảm, quế. Gỗ thành phẩm đã qua chế biến có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong số các mặt hàng trên, thu về trên 3,2 triệu USD trong tổng số hơn 5,025 USD xuất khẩu của toàn ngành.

Giá trị xuất khẩu 5 mặt hàng lâm sản chính. Nguồn: TCLN

Kết quả trên có được nhờ thị trường XK lâm sản đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc… để tái XK sang nước thứ ba, đến nay đồ gỗ Việt Nam đã XK trực tiếp được sang 120 nước và vùng lãnh thổ.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ. Ngoài ra, các thị trường khác như Malaysia, Pháp, Australia cũng có giá trị XK gỗ tăng mạnh.

Những tháng nửa cuối năm luôn đạt giá trị tăng cao hơn so với các tháng đầu năm, với ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ do thói quen tiêu dùng, mua sắm, thay thế nội, ngoại thất cũng như xây dựng trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, một số thị trường như Mỹ (với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc) trong tương sẽ là cơ hội để sản phẩm gỗ Việt đẩy mạnh phát triển ở thị trường này.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra dự báo, các đơn hàng thường được hoàn thành vào cuối năm, do đó dự báo gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ là nhóm hàng có những tín hiệu khả quan, là điểm sáng của xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn