MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường vẫn đang chịu nhiều áp lực có thể khiến nhịp điều chỉnh liên tục xuất hiện. Ảnh: Gia Miêu

Độ phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ chậm lại trong giai đoạn cuối năm

Gia Miêu LDO | 02/07/2023 07:45

Các chỉ số của thị trường chứng khoán được dự báo sẽ khó có sự bùng nổ trong những tháng còn lại cuối năm nay do còn những vấn đề gây áp lực như lạm phát, nghĩa vụ thanh toán trái phiếu.

Sau 4 tuần liên tiếp tăng điểm, hai chỉ số thị trường chứng khoán đã đồng loạt giảm điểm trong tuần qua. Cùng đà với điểm số, thanh khoản trên hai sàn tiếp tục giảm. Dưới xu hướng giảm chung của thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở thành nguyên nhân chính khiến chỉ số quay đầu giảm điểm. Bên cạnh đó, các cổ phiếu đầu ngành của một số nhóm cũng đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số.

Liên quan đến IDJ, nhóm cổ phiếu họ APEC gồm API, APS và IDJ trong tuần 26-30.06.2023 đã bị bán tháo và lao dốc không phanh với cả 5 phiên đều giảm sàn, sau khi Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" tại 3 doanh nghiệp này, cũng như việc bắt tạm giam một số cá nhân liên quan.

Tuần qua, một số thông tin, sự kiện chính có tác động đến thị trường như việc Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% VAT. Dữ liệu tăng trưởng GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Như vậy, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%. Tuy nhiên, trong báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2023 của Công ty chứng khoán MB (MBS) chỉ ra rằng thị trường sẽ phục hồi chậm chạp và xen lẫn các nhịp điều chỉnh. Mục tiêu VN-Index hướng về vùng 1.155-1.200 điểm.

Cập nhật triển vọng vĩ mô, MBS dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể dưới 6% và sẽ bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Điểm tích cực là các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, cộng thêm mặt bằng lãi suất hạ và duy trì ở mức thấp. Thanh khoản hệ thống dồi dào và lượng vốn lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi trên.

Về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, MBS cho rằng sẽ có cả yếu tố tích cực và tiêu cực tác động đến trong nửa cuối năm 2023. Cụ thể, trong bối cảnh lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng giảm, lợi nhuận thị trường sẽ phục hồi trên nền thấp của 6 tháng cuối năm ngoái, đồng thời kì vọng dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng sẽ là những động lực thúc đẩy thị trường đi lên. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý tới những yếu tố như Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ “diều hâu” hơn so với dự báo của thị trường; áp lực thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu. Đồng thời, xu hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam đang khác biệt so với nhiều nước khác, có thể tạo nên áp lực về tỉ giá và dòng vốn.

Dựa vào những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm, MBS duy trì quan điểm khá thận trọng. “VN-Index sẽ khó có sự bùng nổ về điểm số nếu như các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ cũng như lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đủ ở mức ngân hàng trung ương các nước mạnh tay đảo ngược chính sách tiền tệ”, báo cáo MBS nêu rõ.

Quan điểm của MBS là thị trường sẽ phục hồi chậm chạp và xen lẫn các nhịp điều chỉnh. Theo đó, VN-Index hướng về vùng 1.155-1.200 điểm trong nửa cuối năm 2023 trên cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá P/E thị trường trong khoảng 12-12.5 lần. Hiện tại, vùng giá 1.040-1.050 điểm sẽ là mức hỗ trợ quan trọng cho đà phục hồi. Xu thế trung và dài hạn VN-Index vẫn đang gặp kháng cự quanh vùng giá 1.12x điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn