MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đổ tiền vào BOT rồi chờ phá sản, nhà đầu tư dè dặt với cao tốc Bắc Nam

Minh Quang LDO | 03/05/2018 20:31
Không ít doanh nghiệp (DN) chi hàng nghìn tỉ đồng đầu tư dự án BOT giao thông để rồi mắc kẹt vì thu bằng 1/9 mức tối thiểu của phương án tài chính và ngấp nghé bên bờ phá sản.

Thực trạng này khiến nhiều nhà đầu tư trong nước e ngại trước đề án cao tốc Bắc Nam khiến câu hỏi “tiền đâu” của đề án này chưa có lời giải, đặc biệt là khi khả năng huy động  vốn vay nước ngoài là cực khó vì vướng cơ chế chia sẻ rủi ro.

Những dự án BOT ngắc ngoải chờ… phá sản 

Ngày 07.9.2014, tuyến cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) được khởi công xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư vào khoảng hơn 2.700 tỉ đồng.

Tới tháng 3.2017, dự án được thông xe kỹ thuật và tới tháng 5.2017 đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải mất hơn 6 tháng đi xin các cấp bộ, ngành địa phương mới được phép thu giá tại 1 trạm từ ngày 25.1.2018 và doanh số trong 3 tháng đầu thu giá mới ngấp nghé 13% kế hoạch khiến đơn vị này nhấp nhổm bên bờ vực phá sản.

Tính từ ngày 25.01.2018 đến ngày 25.4.2018, tổng số tiền thu giá thực tế thu được 6.687.015.000 đồng với 148.744 vé (trong đó, vé lượt 148.523 vé, vé tháng 204 vé, vé quý 17 vé), tương đương với 12,5% phương án tài chính đề ra. Trong khi đó, từ lúc đưa vào vận hành tới nay, tổng số tiền DN phải chi tiền trả lãi, gốc cho ngân hàng cũng như chi cho công tác duy tu, bảo trì đã lên tới hơn 219 tỉ đồng.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Cty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cho biết doanh thu tại trạm thu giá này hiện quá thấp so với phương án tài chính đề ra nên dự án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác hoàn vốn và nguy cơ phá sản đang hiện hữu.

Nguyên nhân của tình trạng này là do mới chỉ thu giá được 1/2 trạm so với kế hoạch ban đầu và hầu hết các phương tiện, đặc biệt là các phương tiện nhóm 4,5 chọn đường QL3 mở rộng để đi do đường đã được đơn vị này nâng cấp, cải thiện chất lượng mà lại không bị thu giá.

Cùng cảnh ngộ, những dự án như BOT cầu Hạc Trì, Việt Trì, Phú Thọ hay BOT Cai Lậy, Tiền Giang cũng đang ngấp nghé bên bờ phá sản do đang ngừng thu giá hoặc thu quá ít so với phưong án tài chính. 

Nhà đầu tư e ngại đổ tiền vào cao tốc Bắc Nam 

Nhìn những dự án BOT đang bị mắc kẹt, nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn, e ngại trước lời kêu gọi rót vốn vào dự án cao tốc Bắc Nam. Theo đại diện một nhà đầu tư BOT, đầu tư vào cao tốc Bắc Nam là chi tiền tỉ, thu tiền trăm, vốn lớn mà thu nhỏ giọt nên có nhiều rủi ro.

“Nếu cơ chế không rõ ràng, khả năng hoàn vốn cũng như thu lợi nhuận khó thì chắc chẳng ai dám lao vào”, đại diện này nhận định.

Trên thực tế, hiện có không ít dự án kêu gọi đầu tư đang bị ế như dự án Dầu Giây - Phan Thiết dù đã nhiều lần road-show cả ở trong và ngoài nước.

Tại hội thảo về cao tốc Bắc Nam do Bộ GTVT và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 26.4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận việc triển khai dự án này còn nhiều thách thức trong bối cảnh luật Đối tác công tư chưa được ban hành, thị trường tín dụng dài hạn khó khăn. Dù Việt Nam liên tục kêu gọi đầu tư những dự án giao thông theo hình thức BOT nhưng hiện nay hầu như chỉ mới nhà đầu tư trong nước và bên cung cấp tín dụng cũng chủ yếu là các ngân hàng thương mại trong nước với quy mô không lớn.

Còn các nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ tỏ ý quan tâm chứ khả năng tham gia không cao khi thiếu cơ chế bảo lãnh bởi nhiều nhà đầu tư đề nghị khi có rủi ro thì Chính phủ phải can thiệp, ít nhất trong những năm đầu, nhưng hiện chưa có quy định nào của VN cho phép điều này. 

Theo kế hoạch, Bộ GTVT Bộ GTVT sẽ đấu thầu quốc tế các dự án cao tốc Bắc - Nam để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, những vướng mắc về cơ sở pháp lý chưa được hoàn thiện này sẽ là rào cản lớn khiến các nhà đầu tư quốc tế không mặn mà và dù Bộ GTVT đang ráo riết đẩy tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam, nhưng vấn đề huy động vốn trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư e ngại sẽ là yếu tố khiến dự án này có thể bị “lụt” tiến độ.

Dự kiến, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam được thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP sẽ được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 5 - 7.2018, sau đó Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ tuyển nhà đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Các đoạn tuyến khả thi là Mai Sơn - QL45 (Thanh Hóa), QL45 - Nghi Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khởi công sớm vào tháng 12.2019.

Để tránh nguy cơ phá sản, đại diện BOT Thái Nguyên – Chợ Mới kiến nghị Bộ GTVT xem xét cho phép thu thêm giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Km77+922,5 QL3 như thỏa thuận tại hợp đồng dự án đã ký và điều chỉnh thời gian thu giá lên khoảng 17 năm 4 tháng, tăng 1 năm 3 tháng so với thời gian thu giá ghi trong Hợp đồng dự án đã ký hoặc nhà nước trưng mua lại dự án với giá trị khoảng 2.775 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế GTGT), dự kiến chi trả một lần trong tháng 01.2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn