MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp bán lẻ không nhanh nhạy chuyển đổi số là tự đào thải mình

Khương Duy LDO | 29/06/2023 14:55

"Hiện nay hành vi khách hàng đã có nhiều thay đổi, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số, hành động theo lối mòn cũ sẽ tự đào thải mình trên thương trường" - ông Bùi Cao Học - CEO Công ty Công nghệ CloudGo nhận định.

Xu hướng bán hàng đa kênh

Hiện nay, mô hình bán hàng đa kênh trở thành xu hướng của ngành bán lẻ Việt Nam. Mô hình này giúp tăng độ phủ của sản phẩm, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, từ đó tăng doanh số. Các doanh nghiệp cần nắm xu hướng để “chuyển mình” phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, thu hút người tiêu dùng.

Theo ông Đỗ Văn Việt - Trưởng phòng Thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam hiện nay thị trường nước ta đang có 3 xu hướng là: Thương mại trực tiếp, tiếp thị liên kết, AI (CHAT GPT).

Thị trường thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng cao ở cả Việt Nam và thế giới. Hiện nay, không chỉ là ngành bán lẻ mà còn các ngành như thời trang, tài chính, ngân hàng, du lịch, nông sản… đều có thể tham gia sàn thương mại điện tử.

“Kết quả bán hàng trên kênh truyền thông xã hội mang lại hiệu quả rất cao. Thông qua các buổi livestream, người bán có thể chia sẻ câu chuyện về sản phẩm và giải đáp thắc mắc cho khách hàng” - ông Đỗ Văn Việt cho biết.

Đối với xu hướng tiếp thị liên kết, doanh nghiệp bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, chi phí quảng cáo dựa trên chi phí cho mỗi lượt đơn hàng đặt thành công, lượt truy cập vào sản phẩm đó... Hình thức này mang tới hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng của các sàn thương mại điện tử hiện nay. Đơn cử như buổi phát sóng trực tiếp bán mĩ phẩm của TikToker Võ Hà Linh đã khiến toàn bộ TikTokShop của Đông Nam Á bị lỗi hệ thống do số lượng người truy cập quá cao. Có thời điểm lên tới 58.000 người đang mua hàng cùng một lúc.

Ông Đỗ Văn Việt cho rằng, doanh nghiệp cần nắm bắt những xu hướng thực tế để có phương pháp tiếp cận những kênh thương mại điện tử. Doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng để có được những lợi thế cạnh tranh. Từ các sàn thương mại điện tử có thể tạo ra được thu nhập và nguồn khách hàng mới để phát triển hoạt động kinh doanh.

Việc bán hàng qua livestream (live-selling) được xem như một trong những xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển tại châu Á. Ảnh chụp màn hình

Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng

Cách kinh doanh truyền thống là doanh nghiệp bán lẻ phân phối hàng đến tay người tiêu dùng, lợi nhuận chủ yếu đến từ việc mua rẻ, bán đắt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách này vốn không thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

"Hiện nay, thị trường và thói quen người tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp bán lẻ cần chuyển sang cạnh tranh bằng cách tối ưu, mở rộng chuỗi giá trị tới khách hàng và chuyển đổi số" - ông Bùi Cao Học - CEO Công ty Công nghệ CloudGo - nhận định.

Theo ông Bùi Cao Học, hiện các doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Ở mức thấp nhất, doanh nghiệp thậm chí còn không biết mình đang thiếu việc chuyển đổi số. Ở mức cao hơn, doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề nhưng lại không có kế hoạch, mục tiêu, lộ trình rõ ràng.

“Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu rõ ràng, có năng lực thực hiện nhưng lại vướng mắc về dữ liệu trên sổ sách. Nếu không tập trung dữ liệu về một nguồn thì các bước chuyển đổi số tiếp theo sẽ không thể thực hiện” - ông Bùi Cao Học nhận định.

Khi chuyển đổi số cần tích hợp hệ thống từ bên trong để xử lí dữ liệu các khâu trong quá trình bán hàng như: Bán hàng, kế toán, chăm sóc khách hàng… Từ đó, doanh nghiệp có thể đo lường được hiệu quả tiếp thị và kết quả tổng thể của quá trình bán hàng. Doanh nghiệp có thể bán hàng trên nhiều sàn điện tử nhưng phải quy về một đầu mối chủ chốt để xử lí dữ liệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn