MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp cần vay vốn nhưng vướng những quy định về kiểm soát vốn vay. Ảnh: Bảo Bảo

Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó khi muốn vay vốn

Bảo Chương LDO | 05/12/2023 06:09

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục kiến nghị về việc cần thay đổi một số quy định không phù hợp trong Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2021 đang gây ra khó khăn, cản trở khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng.

Doanh nghiệp thấy “khó thở” với một số quy định mới

Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 có hiệu lực từ đầu tháng 9.2023. Thông tư này nhằm giảm thiểu rủi ro, kiểm soát hiệu quả việc sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao chất lượng của hệ thống tín dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp vẫn phản ánh một số điều khoản trong Thông tư này gây khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bất động sản.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM đánh giá, một số nội dung trong Thông tư 06 không còn phù hợp với thực tế. Điển hình như khoản 2 điều 22 quy định, trong trường hợp cá nhân muốn vay ngân hàng để đặt cọc mua nhà tại dự án hình thành trong tương lai thì ngân hàng phải kiểm soát tình hình tài chính của chủ đầu tư, bên không có quan hệ tín dụng trực tiếp với mình.

Theo ông, quy định này bất hợp lý bởi việc kiểm tra việc sử dụng vốn của bên thứ ba, không phải là khách hàng vay của mình, là bất khả thi và làm phức tạp quá trình quản lý.

Bên cạnh đó, ông Châu cũng chỉ ra rằng, quy định này có thể dẫn đến hiểu lầm, khiến ngân hàng chỉ có thể cho vay khi đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

Đồng thời, Thông tư 06 bổ sung khoản 5 điều 26 khi thực hiện cho vay, ngân hàng có trách nhiệm: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm”.

Nhiều doanh nghiệp cho hay, quy định trên mang tính hành chính, bất hợp lý và hạn chế quyền góp vốn của các tổ chức, cá nhân. Bởi theo quy định hiện tại, bên nhận tiền góp vốn hoặc hợp tác đầu tư được quyền chủ động sử dụng dòng tiền để thực hiện dự án, có trách nhiệm báo cáo cập nhật cho bên góp vốn.

Doanh nghiệp không phải là bên đi vay trực tiếp mà vẫn phải chịu kiểm soát của ngân hàng, phải nộp các báo cáo cho các ngân hàng là vô lý.

Cái lý của người đi vay và trách nhiệm của ngân hàng

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định “phong tỏa” số tiền vay đề cập tại Thông tư 06 là “vênh” với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo ông Châu, trong lĩnh vực bất động sản, khách hàng mua nhà thực hiện đặt cọc với chủ đầu tư là chuyện phổ biến thời gian qua, trong trường hợp bên nào không thực hiện thì phải bồi thường cho bên kia theo thỏa thuận. Ở đây, khách hàng và chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.

Nhưng theo quy định tại Thông tư 06, khách hàng vay tiền để góp vốn mà ngân hàng phải phong tỏa nguồn tiền này thì quy định này hoàn toàn chỉ có lợi cho ngân hàng vì nguồn tiền vẫn nằm tại ngân hàng, trên bảng cân đối của ngân hàng. Trong khi đó người nhận tiền thanh toán, ở đây là chủ đầu tư, lại không được sử dụng số tiền này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn