MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp bị chèn quảng cáo vào clip độc trên YouTube: Quýt làm cam chịu

Thế Lâm LDO | 11/06/2019 17:41

Qua rà soát, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử  (PTTH&TTĐT) bước đầu đã lọc ra một danh sách 21 thương hiệu, nhãn hàng của doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại thị trường Việt Nam quảng cáo trong các video có nội dung xấu độc, phản động. Ngày 10.6, Cục đã phát công văn yêu cầu các doanh nghiệp này dừng ngay quảng cáo.

Doanh nghiệp mất tiền, còn bị ảnh hưởng xấu

Theo Cục PTTH&TTĐT, nguồn tiền thu được từ quảng cáo trên các video xấu, độc được Google chia lại cho các đối tượng làm những clip xấu độc và phản động. Đây không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng các qui định của pháp luật về quảng cáo; mà còn là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp.

Đơn cử dạo đầu năm 2017, sau khi được Cục PTTH&TTĐT cảnh báo, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã rút quảng cáo khỏi YouTube như một động thái phản ứng trước việc YouTube để các mẫu quảng cáo của họ rơi vào trong những clip có nội dung độc hại và phản động.

Nhìn ở góc độ này, các thương hiệu, nhãn hàng cũng chính là nạn nhân vì họ không hề muốn quảng cáo của mình rơi vào các nội dung xấu độc gây phản cảm và phản ứng tiêu cực trong dư luận dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Theo một số mẫu quảng cáo trong các clip độc hại, phản động trên YouTube được Cục PTTH&TTĐT lọc ra, hầu hết các nội dung này là tin giả, bịa đặt, hoặc chỉ dựa trên một phần tin tức thực tế rồi lái câu chuyện sang hướng câu views, phản động, bôi nhọ.v.v…

Làn sóng phản ứng tẩy chay quảng cáo trên YouTube từng diễn ra ngay tại Mỹ khi các tập đoàn, thương hiệu lớn, toàn cầu dừng quảng cáo vì các nội dung phân biệt chủng tộc, kì thị, ấu dâm, lạm dụng tình dục… trên YouTube. Các thương hiệu cho rằng, với môi trường quảng cáo như vậy sẽ khiến hình ảnh, uy tín của họ bị ảnh hưởng tiêu cực.

YouTube “ngư ông đắc lợi”

Trong làn sóng phản ứng của dư luận trước tình trạng “giang hồ mạng” như Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền…, câu chuyện đã rất rõ là những đối tượng trên có thu nhập từ YouTube có tháng lên đến cả trăm triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Khoản tiền đó được ăn chia theo tỉ lệ từ YouTube chứ không phải các đối tượng này được hưởng trọn. Như vậy, chính YouTube cũng đã được hưởng lợi từ những video clip có nội dung xấu, độc và phản động.

Quảng cáo mang lại nguồn thu rất lớn cho YouTube mỗi năm (ảnh: marketingreview.vn).

Và nguồn lợi đó, như đã nói, chính là từ ngân sách quảng cáo của các doanh nghiệp khách hàng của YouTube chi ra, và cuối cùng họ bị vạ lây vì các hành vi sai trái của YouTube và các đối tác nội dung của mạng xã hội này.

Ở góc độ về thanh toán, theo Cục PTTH&TTĐT, dòng tiền chia sẻ từ nguồn thu quảng cáo được YouTube chuyển thẳng cho các đối tượng làm nội dung xấu độc. Đơn cử như trong trường hợp Khá "bảnh" đã được cơ quan chức năng làm rõ, đối tượng này không hề đóng thuế thu nhập cá nhân.

Theo chuyên gia truyền thông Huỳnh Thanh Phi (Giám đốc Công ty truyền thông Leo Brothers), YouTube đang ứng dụng thuật toán trong việc vận hành và quản lí các nội dung quảng cáo. Trường hợp quảng cáo của doanh nghiệp bị gắn vào các nội dung độc hại, chi phí của doanh nghiệp không phát huy được tác dụng nhưng YouTube sau khi xóa kênh vi phạm không có bồi hoàn cho doanh nghiệp là không công bằng về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, vì YouTube đang là một "ông lớn", định ra các qui tắc bắt các doanh nghiệp khác phải theo "luật chơi" của mình.

Song chuyên gia Phi cho rằng, đã là một "ông lớn" thì càng phải có trách nhiệm, ở đây là trách nhiệm đối với khách hàng. YouTube cũng phải có sự hỗ trợ đối với khách hàng có quảng cáo bị gắn vào các bội dung video độc hại chứ không thể chỉ đổ lỗi cho thuật toán được. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn