MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp cà phê gặp khó trong việc truy xuất nguồn gốc đất khi tính pháp lý của đất canh tác của nông hộ chưa rõ ràng. Ảnh minh hoạ: Đức Huy

Doanh nghiệp cà phê gặp khó trong việc truy xuất nguồn gốc

Thạch Lam LDO | 20/11/2023 07:05

Ngành cà phê Việt Nam, với diện tích canh tác chủ yếu manh mún nhỏ lẻ, dự kiến sẽ chịu tác động nhiều nhất của quy định chống phá rừng của EU. Các doanh nghiệp (DN) ngành này cho biết, đang sẵn sàng chuyển đổi xanh nhưng cần một căn cứ chung từ cơ quan quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp còn thời gian để thay đổi, thích ứng

Thỏa thuận Xanh EU đặt ra những yêu cầu mới đầy thách thức đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam sang thị trường EU. Tương tự như tất cả các ngành sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng khác, nông sản thực phẩm Việt Nam sẽ phải thay đổi đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh cao hơn, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và thông tin phức tạp và mất nhiều chi phí để tuân thủ các yêu cầu này.

Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), hiện nay phần lớn các yêu cầu này mới đang ở giai đoạn dự thảo, các chính sách xanh EU trong lĩnh vực này cơ bản chưa làm thay đổi hiện trạng các yêu cầu pháp lý tối thiểu mà xuất khẩu cà phê Việt Nam phải tuân thủ. Do đó, các nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê Việt Nam cơ bản vẫn còn thời gian để chuẩn bị cho sự thay đổi mà xa hơn là thích ứng và tận dụng cơ hội từ xu hướng chuyển đổi xanh của EU nói riêng và thị trường xuất khẩu nói chung.

Doanh nghiệp cà phê bắt kịp cuộc chơi “xanh”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết doanh nghiệp cà phê cũng gặp khó khăn khi thực hiện quy định về Thoả thuận Xanh EU. Đặc biệt, trong việc truy xuất nguồn gốc đất khi tính pháp lý của đất canh tác của nông hộ chưa rõ ràng. Diện tích canh tác của các hộ thường nhỏ, manh mún, chủ yếu là dưới 1ha. Một hộ thường có nhiều mảnh đất khác nhau. Một số hộ hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); một số hộ khác đã được nhận sổ đỏ. Tuy nhiên, chỉ giới đất ghi trên sổ đỏ lại không khớp với thực tế.

“Hiện tại, các hộ phản ánh việc cấp mới hoặc sửa chữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất khó khăn, thủ tục phức tạp và kéo dài. Nông hộ tham gia vào ba chuỗi cung nêu trên thường sống tại các khu vực miền núi nơi khả năng tiếp cận với thông tin, bao gồm các yêu cầu về cơ chế chính sách mới, thường hạn chế. Doanh nghiệp cà phê hiện nay chưa có thông tin hướng dẫn cụ thể từ EU. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực: tài chính, nhân lực nhiều hơn dẫn đến chi phí tăng cao ảnh hưởng tới giá thành, giảm sức cạnh tranh” - vị này thông tin.

Đại diện Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, để đảm bảo lượng xuất khẩu sang thị trường EU màu mỡ và bắt kịp cuộc chơi “xanh”, doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần thay đổi và thích nghi. Doanh nghiệp xuất khẩu cần tập hợp thông tin cụ thể về từng thửa đất, diện tích các thửa, vị trí của thửa, tình trạng pháp lý, lịch sử hình thành và rủi ro mất rừng. Doanh nghiệp cần đánh giá chuỗi cung hiện tại của mình, bao gồm các hộ hiện đang tham gia chuỗi. Đánh giá chuỗi cung cần quan tâm tới các khía cạnh.

“Thứ nhất, cần có thông tin cụ thể về danh sách các hộ tham gia chuỗi. Cụ thể thông tin về diện tích và pháp lý mảnh đất. Thứ hai, kênh đầu ra của hộ: Chủng loại sản phẩm, bán cho ai, bán đi đâu, số lượng bao nhiêu, có áp dụng cơ chế phân biệt các luồng cung khác nhau hay không (ví dụ sản phẩm được thu hoạch từ các mảnh đất khác nhau/ giữa nguồn có chứng chỉ và không có chứng chỉ)...

Thứ ba, quá trình đánh giá chuỗi cung cũng cần quan tâm tới nhóm thương lái, những người mua sản phẩm từ hộ. Khi đánh giá nhóm thương lái, cần xem xét cách thức thu mua và quản lý thông tin hàng hóa.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện hiệu quả khung hành động thích ứng với EUDR. Các doanh nghiệp cần tích cực rà soát, đánh giá lại chuỗi cung hiện tại của mình, xác định các rủi ro liên quan tới chuỗi và thực hiện trước các biện pháp giảm thiểu rủi ro theo khuyến nghị trong EUDR.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn