MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu và vốn vay ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh nghiệp cần được tiếp cận vốn nhanh

Đăng Tiến - Lam Duy LDO | 05/03/2020 10:15

Ước tính tổng gói tín dụng được các ngân hàng công bố triển khai nhằm hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay lên đến 285.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đây là các chương trình cho vay đơn lẻ sử dụng nguồn vốn từ các ngân hàng, không dùng vốn ngân sách và theo quyết định cho vay, mức vay và lãi suất cho vay sẽ phụ thuộc vào thẩm định của mỗi ngân hàng.

Nguồn vốn từ ngân hàng

Trong các gói tín dụng ưu đãi được hàng loạt ngân hàng thương mại công bố đến thời điểm này có thể nhắc đến ACB với gói cho vay 25.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME; BIDV với gói tín dụng 20.000 tỉ đồng; Sacombank tung gói cho vay 10.000 tỉ đồng; MB triển khai triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp SME; SHB cũng dành nguồn vốn 3.000 tỉ đồng cho vay mới và điều chỉnh lãi suất khoản vay hiện hữu…

Ước tính tổng gói tín dụng mà hàng chục ngân hàng đang triển khai lên đến 285.000 tỉ đồng, cao hơn 35.000 tỉ đồng so với con số 250.000 tỉ đồng được đề cập tại hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào ngày 2.3.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), các gói cho vay này hoàn toàn do các ngân hàng triển khai, sử dụng nguồn vốn của ngân hàng và không dùng nguồn vốn ngân sách. Các mức lãi suất cho vay ưu đãi cũng tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để căn cứ, không có mức cố định. Dựa theo thông tin về các gói tín dụng mà các ngân hàng công bố triển khai đến thời điểm này, mức lãi suất cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thấp hơn từ 0,5% đến cao nhất 2% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Ngoài việc cho vay mới, các ngân hàng hiện cũng đang triển khai các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay với các khoản vay hiện hữu và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc, hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 và đến ngày 31.3.2020 theo văn bản số 1117 được NHNN ban hành ngày 24.2. Trong khi đó, dự thảo Thông tư chính thức hướng dẫn các ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách hàng do NHNN soạn thảo vẫn đang lấy ý kiến của các bộ, ngành.

Để doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi sẽ có tác động hỗ trợ rất lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo bà Minh, trong thời điểm này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ như vốn tín dụng và lãi suất. Trong khi các doanh nghiệp lớn đã đủ nguyên liệu dự trữ đến hết tháng 2.2020, một số doanh nghiệp đến hết tháng 3.2020. Thì các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không có nguyên, phụ liệu để sản xuất vì họ luôn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ những doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp lớn cũng chưa đủ cung ứng cho mình nên không thể chia sẻ, cung cấp nguyên liệu cho chuỗi cung ứng của họ.

Do đó nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận với các nguồn vốn sẽ có cơ hội tìm được các nguồn nguyên liệu mới thay thế các nguồn nguyên liệu chính đang cung cấp cho Việt Nam từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vốn đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, các gói tín dụng ưu đãi vào thời điểm cả nước đang nỗ lực chống dịch COVID-19 sẽ giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn. Nhưng quan trọng nhất là cần có những hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp tiếp cận nhanh được nguồn vốn để tìm nguồn nguyên liệu và thị trường mới.

Khó khăn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đại diện Tổng Công ty may 10, bà Trần Quý Dân cho biết, hiện phần lớn các doanh nghiệp da giày và dệt may phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu dịch kéo dài, thiếu nguyên phụ liệu, doanh nghiệp sẽ phải bố trí công nhân nghỉ theo diện luân phiên và đẩy mạnh những mặt hàng nội địa.

DN tìm cách giữ chân người lao động

Theo bà Vi Thị Hồng Minh, khi doanh nghiệp khó khăn kéo theo việc người lao động thiếu việc làm, nếu doanh nghiệp không có chính sách trả lương để giữ chân người lao động, đến một thời điểm khi có nguyên phụ liệu lại không có lao động để sản xuất. Do đó cần phải có các chính sách đồng bộ và mỗi doanh nghiệp sẽ phải tự xây dựng một chiến lược phát triển kinh doanh để hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, công đoàn và giới chủ cùng ngồi lại chia sẻ và tuyên truyền để người lao động không rời bỏ doanh nghiệp vì khó khăn là bất khả kháng. Đ.T - L.D


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn