MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe container kẹt cứng trên cầu Phú Mỹ. Ảnh: M.Q

Doanh nghiệp chịu nhiều loại phí nhưng xe không thể chạy do đường kẹt

MINH QUÂN LDO | 27/12/2017 18:55
Doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa vừa phải đóng phí BOT, vừa phải đóng phí Bảo trì đường bộ nhưng xe không thể chạy do kẹt xe, làm mất thời gian, tăng chi phí.

Đó là bức xúc của nhiều DN vận tải hàng hóa tại "Hội nghị trao đổi, tiếp xúc DN kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ", do Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM và Sở GTVT TPHCM tổ chức chiều 27.12.

Ông Nguyễn Văn Chánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, cho biết năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển, cảng sông tại TPHCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành kinh doanh vận tải hàng hóa TP vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, bị tác động bởi nhiều mặt, từ năng lực vận tải cho đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cùng các quy định về thủ tục hành chính chưa phù hợp.

Thực trạng trên khiến các DN vận tải phải cạnh tranh bằng nhiều hình thức như giảm 50% mức giá so với trước hoặc thấp hơn giá thành để duy trì hoạt động và giữ chân khách hàng. Đồng thời, nhiều DN cũng đối phó bằng việc chở hàng quá tải để duy trì hoạt động và cân đối kinh doanh.

Tại hội nghị, ông Lâm Đại Vinh – Cty TNHH Lâm Vinh cho rằng, hiện nay DN vừa đóng phí BOT vừa đóng phí bảo trì đường bộ với khoảng 17 triệu đồng/xe/năm là quá cao. Mặc dù đóng nhiều loại phí nhưng xe không thể chạy thuận tiện do đường kẹt.

Ông Vinh dẫn chứng một số đoạn và tuyến đường như: Đường ra vào cảng Cát Lái, vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2), đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) thường kẹt xe cả nửa ngày làm mất thời gian, tăng chi phí. Từ đó, ông Vinh kiến nghị giảm phí BOT và phí Bảo trì đường bộ đối với loại xe kéo sơ mi rơ moóc và rơ moóc.

Trong khi đó, theo chủ DN Hoàng Nam (Trà Vinh), một số biển báo hướng dẫn và thời gian cấm lưu thông chưa phù hợp. Cụ thể, cấm xe tải trọng trên 5 tấn từ nút giao Bình Thạnh  (QL1, huyện Bình Chánh, TPHCM) đến Long An, Tiền Giang từ 6-8h30 buổi sáng và 16-18h30 chiều là không hợp lý. Việc cấm xe khiến các kho bãi nằm ở đoạn đường trên bị tê liệt, DN không làm ăn được.

Đại diện Sở GTVT TP cho biết, những vấn đề các DN bức xúc liên quan đến việc tăng cường xử lý tình trạng xe chở quá tải, biển báo giao thông cũng như khung giờ cho các loại xe lưu thông..., Sở đã khảo sát và đánh giá cụ thể trên từng tuyến đường để tiến hành điều chỉnh lại.

Riêng về giá vé, việc triển khai bán vé tại các trạm BOT cũng như mức giá sử dụng đường bộ, Sở GTVT TP đang xây dựng về mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh trên địa bàn TP.

Những nội dung trên đang được tổng hợp ý kiến từ các sở - ngành liên quan để hoàn chỉnh trình UBND TPHCM thông qua, trong đó có điều chỉnh quy định về bán vé lượt, vé tháng và vé quý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn