MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp đang có đơn hàng trở lại. Ảnh: Ngọc Lê

Doanh nghiệp chưa hết lo dù đơn hàng quay trở lại

NGỌC LÊ LDO | 27/11/2023 06:48

Theo các hiệp hội, hiện các đơn hàng đang quay trở lại với các doanh nghiệp vì tồn kho các nước bạn giảm, họ bắt đầu đặt hàng trở lại. Tuy nhiên, mức giá hiện tại cho các đơn hàng đang ở mức thấp.

Các doanh nghiệp dần có đơn hàng trở lại

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may bị đơn hàng sụt giảm, công nhân giảm giờ làm, nhà máy giảm công suất, thậm chí nhiều công ty phải đóng cửa, giảm nhân sự.

Thông tin về tình hình đơn hàng của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đối với ngành dệt may, năm 2022 xuất khẩu được 44 tỉ USD, dự kiến năm 2023 đạt khoảng 40 tỉ USD. Tuy nhiên, vào cuối quý I sang nửa quý III của năm nay, tăng trưởng của ngành đang chậm lại. Vào quý IV/2023, lượng hàng hoá tồn kho trên thị trường thế giới giảm, trong đó có thị trường Mỹ, do đó, lượng đơn đặt hàng có sự tăng trở lại.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam - chia sẻ, năm 2023, ngành suy giảm khoảng 17%. Từ nay đến cuối năm ở các doanh nghiệp đã có sự khởi sắc về đơn hàng mặc dù chưa bằng so với năm 2022.

Tuy nhiên, mức giá không còn được như trước, các doanh nghiệp đang phải chấp nhận mức giá thấp trong khi chi phí đầu vào tăng cao.

Đối với ngành gỗ, trong những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp những bất lợi như đơn hàng ít, công nhân giảm giờ làm, chi phí nhân công cao, trình độ công nghệ - kỹ thuật còn thấp.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương - nhận định, năm nay ngành gỗ dự kiến đạt trên 18 tỉ USD, nhưng đến thời điểm này chỉ đạt trên 11 tỉ USD, trong đó Bình Dương chiếm gần 50% tỉ lệ xuất khẩu đồ gỗ của cả nước.

“Hiện thị trường trên thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng đến các ngành nghề nên ngành gỗ cũng không tránh khỏi sự sụt giảm. Đây cũng là dịp để chúng tôi xem lại những được, mất của ngành gỗ. Lâu nay thị trường trong nước bị bỏ ngỏ nên bây giờ các doanh nghiệp đã dành một phần để quay về thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, trước nay chúng tôi bán hàng thụ động, chờ đơn hàng tới thì bây giờ phải chủ động tham gia các hội chợ thế giới để tìm kiếm đơn hàng. Trong 2 tháng vừa qua, đơn hàng đã có trở lại nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, mùa vụ chứ không phải bền vững” - ông Nguyễn Liêm chia sẻ.

Vẫn còn nhiều khó khăn với doanh nghiệp

Theo Vitas, hiện nay vẫn có hơn 50% nguồn cung nguyên phụ liệu ngành dệt may phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc chưa tự chủ được nguồn cung nguyên liệu khiến doanh nghiệp chưa thể khai thác triệt để lợi thế của ngành.

"Mới đây, chúng tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc sớm giải quyết quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch các địa phương làm các khu công nghiệp đạt chuẩn về môi trường để thu hút nhà đầu tư. Họ đòi hỏi chúng ta phải phát triển bền vững và xanh hóa nên hầu hết các doanh nghiệp làm hàng đi thị trường Mỹ đã phải đầu tư các chuẩn mực của hệ thống đánh giá. Có như vậy chúng ta mới có đơn hàng ổn định" - Chủ tịch Vitas chia sẻ.

Đánh giá về tình hình của các doanh nghiệp hiện này, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) - cho biết, dù tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi hơn nhưng nhiều công ty thuộc một số ngành nghề vẫn có những khó khăn nhất định trong kinh doanh.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay vẫn là đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn đã góp phần làm tăng tồn kho ngoài dự kiến, ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh.

Theo thống kê của Cục Thuế TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có 61.628 doanh nghiệp rời thị trường. Nhiều nhất trong số này là bỏ địa chỉ kinh doanh 26.552 doanh nghiệp, tăng 23,7% so với cùng kỳ. 19.361 doanh nghiệp khác tạm ngưng hoạt động.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngưng hoạt động cũng tăng 19,38% so với cùng kỳ, ở mức 13.271 doanh nghiệp. 2.444 doanh nghiệp khác đang làm thủ tục giải thể. Thực tế này cũng khiến cho số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TPHCM giảm còn 275.703 doanh nghiệp. Tính trung bình mỗi quý trong năm 2023, có khoảng 20.000 doanh nghiệp TPHCM rời thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn