MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hồ Hoàng Nguyên - Giám đốc điều hành CTCP Xuất nhập khẩu Bán hàng Việt. Ảnh: Anh Tú

Doanh nghiệp chuyển đổi số để mở rộng thị trường

KHÁNH LINH LDO | 22/10/2021 11:09

Dịch bệnh kéo dài khiến hành vi người tiêu dùng cũng đã dần thay đổi, cả hệ sinh thái kinh doanh cũng đang chuyển mình. Và sau khi mở cửa trở lại từ đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường triển khai công nghệ, chuyển đổi số ở cả quản lý, bán hàng... để mở rộng thị trường, lấy nguy làm cơ.

Thiệt hại và khó khăn do dịch bệnh

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, phân phối bán lẻ đều bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều công ty phải dừng hoạt động cả tháng trời.

Ông Hồ Hoàng Nguyên - Giám đốc điều hành CTCP Xuất nhập khẩu Bán hàng Việt - một công ty phân phối hàng tiêu dùng có đại lý ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, trụ sở chính tại TPHCM cho biết, trong suốt hơn 10 năm gắn bó và điều hành công ty, chưa bao giờ công ty rơi vào hoàn cảnh khó khăn như giai đoạn dịch COVID-19 này.

"Khó khăn đầu tiên là vì công ty tôi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để phân phối lại. Giai đoạn dịch vừa qua kéo dài 4 tháng, nhưng hàng hóa nhập về thì có hạn sử dụng, nếu chỉ để tồn trong kho không đưa tới tay người tiêu dùng được thì sẽ tới hạn. Do đó, khách hàng sẽ từ chối sản phẩm này vì đã cận "date" (hạn sử dụng).

Khó khăn thứ hai là về doanh số, công ty có hệ thống nhân sự ở nhiều cấp từ quản lý đến bán hàng, phân bổ ở khắp các tỉnh thành. Nghỉ trong vòng 4 tháng liền như vậy ảnh hưởng lớn đến doanh số và từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động" - ông Nguyên chia sẻ.

Tất cả những yếu tố trên dẫn tới việc doanh nghiệp này gặp phải những khó khăn về việc sử dụng và xoay vòng nguồn vốn để nhập hàng cũng như duy trì các hoạt động khác của công ty.

"Qua mấy đợt dịch trước, công ty ít nhiều đã chủ động được về hàng hóa, hợp đồng ngoại thương. Tôi biết là mình phải cẩn thận trong khía cạnh này nên cũng đã hoạch định kế hoạch hàng hóa ra ngoài thị trường để có chiến lược đặt hàng với đối tác. Song thực sự hàng hóa tồn trong kho cũng ảnh hưởng tới kế hoạch, ước tính số hàng hóa chúng tôi phải hủy bỏ, thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng"- ông Nguyên nói.

Cơ hội khi đơn hàng trở lại

Tuy nhiên sau khi mở cửa trở lại từ đầu tháng 10, những đơn hàng đã nhanh chóng quay trở lại. Doanh nghiệp này đã chớp lấy cơ hội tăng cường triển khai công nghệ, chuyển đổi số ở cả quản lý, bán hàng... để mở rộng thị trường, lấy nguy làm cơ.

Từ ngày 1.10, nhân sự của doanh nghiệp này đều đã quay trở lại làm việc bình thường, không một ai nghỉ việc.

Ông Nguyên chia sẻ: "Các bạn nhân viên đã rất nỗ lực để kiểm tra và sắp đặt lại hệ thống hàng hóa. Thời điểm này việc hàng hóa đến các cửa hàng, đại lý hay đến tay người tiêu dùng cũng khó khăn nhưng mà mọi thứ đến hôm nay sau 2 tuần đã vào guồng.

Lợi thế của công ty chúng tôi là ngoài đội ngũ nhân sự hành chính thì những nhân sự khác làm việc tại địa bàn, địa phương của họ. Do đó, nhờ quen làm việc qua nền tảng trực tuyến online đã khiến nhân sự nhanh chóng quay lại công việc mà không ảnh hưởng gì nhiều. Tôi mừng vì doanh thu từ đầu tháng 10 có tăng so với trước đây".

Anh Phạm Quốc Tuấn - Giám đốc Marketing một công ty bán lẻ tại TPHCM cũng chia sẻ, dịch bệnh đối với công việc và ngành marketing vừa là thách thức vừa là cơ hội. Thách thức là khi gặp dịch bệnh, cá nhân mỗi người và doanh nghiệp phải tìm cách vượt qua để tiếp tục công việc hiệu quả như thế nào và cơ hội là làm sao để từ đó có bước tiến lớn hơn.

"Tình hình dịch bệnh như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường, bán hàng, vận chuyển. Nhưng nó là cơ hội để mình nắm bắt thị trường tốt hơn sau khi vừa rồi có nhiều công ty không có định hướng và thất bại. Thị trường đã rộng hơn, quan trọng là mình phải khai thác như thế nào cho phù hợp.

Giữa thời điểm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi từ offline (trực tiếp) sang online (trực tuyến) để phù hợp và đúng định hướng hơn. Có thể thấy rõ khách hàng trong thời gian qua họ đã mua đồ online rất nhiều, quan trọng nhất là mình phải nắm bắt xu hướng đó"- anh Tuấn nói.

Dịch COVID-19 khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn nhưng cũng là bàn đạp để các doanh nghiệp nắm lấy cơ hội, thay đổi về mặt tư duy và phương thức hoạt động. Đây là thời điểm doanh nghiệp phải vươn lên, dùng lợi thế để kinh doanh trên nền tảng công nghệ nếu không muốn bị thụt lùi hoặc biến mất.

"Khi dịch bệnh xảy ra mới nhìn thấy được sự quan trọng của mô hình kinh doanh online, trên nền tảng công nghệ, điều đó cho thấy chúng tôi đã đi đúng hướng và cần tiếp tục phát huy"- anh Tuấn khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn