MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty CP Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (TPHCM) thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Ảnh: Đức Long

Doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn khi chuẩn bị hoạt động trở lại

Nam Dương LDO | 25/09/2021 08:51
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TPHCM (gọi tắt là Bộ tiêu chí). Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi chuẩn bị theo Bộ tiêu chí này.

Cả NLĐ, công đoàn và doanh nghiệp đều băn khoăn

Theo quy định của Bộ tiêu chí, NLĐ tham gia sản xuất phải có “Thẻ xanh COVID” hay “Thẻ xanh COVID giới hạn phạm vi hoạt động”.

“Người có “Thẻ Xanh COVID” khi hội đủ các điều kiện sau: Xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (test nhanh hoặc RT-PCR) đối với những ngành nghề phải làm xét nghiệm theo quy định; Tiêm vaccine hoặc từng mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh; Không có tiếp xúc gần với người F0 trong vòng 14 ngày.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, CN Cty Samho Việt Nam, băn khoăn theo quy định khi đi làm, doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm cho NLĐ theo tần suất 7 ngày/lần đối với nhóm thông thường, 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao.

“Không biết chi phí xét nghiệm này ai sẽ chịu. Nếu doanh nghiệp lo cho NLĐ thì tốt quá, chứ nếu buộc NLĐ phải chịu hoặc chia sẻ chi phí xét nghiệm này thì lương CN vốn đã ít ỏi làm sao gánh nổi”. Băn khoăn của chị Hương cũng là của rất nhiều CN khác.

Cũng theo quy định, các đơn vị tự đánh giá và triển khai thực hiện theo bộ tiêu chí này và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, đồng thời, đơn vị chỉ được sản xuất, kinh doanh khi đảm bảo các tiêu chí về hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Lê Trần Thanh Hải - Chủ tịch CĐ Cty May Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM) - nhận xét, về nguyên tắc thì doanh nghiệp khi thấy đủ điều kiện theo bộ tiêu chí sẽ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hiện nay TPHCM vẫn áp dụng việc kiểm soát giấy đi đường, trong khi đó bộ tiêu chí này không nói rõ, cơ quan nào sẽ cấp giấy đi đường cho NLĐ khi đủ điều kiện để họ đi làm, nên doanh nghiệp cũng không thể hoạt động được.

Còn giám đốc một công ty may mặc ở Quận 12, TPHCM có hơn 1.500 phải ngừng hoạt động đã hơn 2 tháng qua, tỏ ra khá bức xúc. Theo đó, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động đã lâu, đối tác nước ngoài “đe” phạt vì không bảo đảm tiến độ cung ứng sản phẩm theo hợp đồng, NLĐ thì vô cùng khó khăn vì không có tiền lương... DN mong sớm mở cửa sản xuất nhưng bộ tiêu chí này không nói rõ doanh nghiệp có thể chủ động hoạt động khi đã đáp ứng đủ điều kiện hay phải lập phương án sản xuất, kèm theo danh sách NLĐ cho các cơ quan chức năng thẩm định.

Ngoài ra, tiêu chí: “Không có tiếp xúc gần với người F0 trong vòng 14 ngày” thì thật sự khó cho doanh nghiệp bởi thực tế có nhiều F0 không có triệu chứng, thậm chí tự khỏi bệnh, nhưng vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

“Nếu có NLĐ bị lây bệnh do tiếp xúc với những F0 dạng này mà bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thì khó cho chúng tôi quá” - vị này nói.  

Chưa thực hiện được ngay

Theo quy định tại Phụ lục 4, ban hành kèm theo Bộ tiêu chí, doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất theo nhiều phương thức, như “3 tại chỗ”; “3 tại chỗ theo kíp”; “một cung đường hai điểm đến”, “một cung đường hai điểm đến mở rộng”, “4 xanh” (NLĐ xanh, cung đường xanh, nơi sản xuất xanh và vùng sản xuất xanh).

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Nhân sự Cty CP Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công - doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” với khoảng 1.800 CN/gần 7.000 NLĐ, cho biết doanh nghiệp đã tốn kém rất nhiều chi phí cho phương thức này, NLĐ cũng rất uể oải khi phải “3 tại chỗ” trong thời gian dài. Vì thế, việc thực hiện phương thức “4 xanh” chính là lối mở cho cả doanh nghiệp và NLĐ.

Tuy nhiên, hiện nay CN của Cty chủ yếu ở “vùng cam”, “vùng đỏ”. “Doanh nghiệp đã tính đến phương án sẽ di chuyển NLĐ đến “vùng xanh” để thuận tiện đi làm, nhưng lại phải thuê cả dãy trọ hay khách sạn cho NLĐ ở, cũng tốn kém. Đó là chưa kể, “vùng xanh” có F0 thì lại trở thành “vùng đỏ”, có khi bị phong tỏa, thì tất cả CN ở đó lại không được đi làm, rất bất ổn, trong khi sản xuất thì cần lực lượng ổn định. Chúng tôi đã họp bàn nhiều, nhìn chung rất phức tạp, chắc chắn là chưa thực hiện được ngay” - ông Tuấn chia sẻ.

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty PouYuen - thì cho biết, doanh nghiệp đã tính đến việc hoạt động trở lại. Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện theo quy định, doanh nghiệp sẵn sàng tổ chức xe đón CN từ các vùng xanh đến công ty làm việc theo phương thức “Một cung đường hai điểm đến”. Tuy nhiên, dự kiến cũng phải từ đầu tháng 10.2021 công ty mới hoạt động trở lại được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn