MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn phòng doanh nghiệp có vốn đăng ký lên tới 500 nghìn tỉ. Ảnh: Bảo Chương

Doanh nghiệp đăng ký vốn khủng 500 nghìn tỉ đồng giải thể, cần xử lý nghiêm

Gia Miêu LDO | 16/01/2022 17:39

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh là người đại diện pháp luật, từng làm xôn xao dư luận khi đăng ký vốn điều lệ doanh nghiệp lên tới 500 nghìn tỉ đồng, mới đây đã công bố giải thể.

Cụ thể, Quyết định giải thể doanh nghiệp được ký ngày 31.12.2021 bởi ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đại diện theo pháp luật, đồng thời là giám đốc công ty. Một tuần sau, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cập nhật thông tin này. Một công ty khác cũng do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sáng lập là Công ty CP Tập đoàn kinh doanh tự động toàn cầu (GAB Group), cũng chính thức giải thể vào cuối năm 2021.

Trao đổi nhanh với phóng viên, lý do giải thể theo ông Nguyễn Vũ Quốc Anh là do các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu. Tuy nhiên, ông không giải thích rõ hơn về vấn đề góp vốn này.

Trước đó, khi được phóng viên báo Lao Động hỏi về cơ sở đâu để ông đăng ký với số lượng vốn điều lệ khủng như vậy thì ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết, hiện nay các đối tác của ông là các tập đoàn và công ty lớn. Và ông tin rằng các sản phẩm phần mềm mà bên ông viết ra có giá trị cao nên sẽ bán được giá. Nguồn tiền thu về từ các hợp đồng bán sản phẩm phần mềm và việc kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư sẽ bổ sung vốn trong thời gian đăng ký.

Tuy nhiên, qua theo dõi thì đến ngày đến ngày 17.8.2021 theo thời hạn quy định, doanh nghiệp này đã không góp đủ số tiền vốn như đã đăng ký.

Có thể thấy việc không góp đủ vốn là điều đã được dự báo trước của các công ty này. Việc ông Nguyễn Vũ Quốc Anh ra thông báo giải thể vào đúng thời điểm cuối năm 2021 vì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 và thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1.6.20216. Theo đó mức phạt tiền sẽ là từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỉ đồng trở lên.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Văn phòng luật DBS,  Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, có không ít doanh nghiệp tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như để “lòe” thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của doanh nghiệp. 

Để siết chặt tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ việc góp vốn của doanh nghiệp xem họ có thực sự góp đủ vốn theo đăng ký hay không. Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao hình thức xử phạt nếu doanh nghiệp không làm thủ tục giảm vốn điều lệ, luật sư Nguyễn Thanh Nhã nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn