MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi phí lãi vay phình to khiến lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm, thậm chí thua lỗ trong quý I/2023. Ảnh: Chụp màn hình

Doanh nghiệp đang nợ 1,147 triệu tỉ đồng trái phiếu

Lam Duy LDO | 03/05/2023 16:29
Dù có hơn 220.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm nay nhưng đỉnh điểm của áp lực trả nợ trái phiếu sẽ xuất hiện vào năm 2024.

Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo gây nhiều chú ý về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cụ thể theo VCBS, tại thời điểm tháng 4.2023, có tổng cộng 1,147 triệu tỉ đồng dự nợ trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, khối lượng dư nợ lớn nhất thuộc về ngành bất động sản (35%) và ngân hàng (32%).

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 ước tính 220.000 tỉ đồng, giảm đáng kể so với thời điểm kết thúc quý IV/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn.

Trong đó, đáng chú ý giá trị mua lại tại ngành bất động sản trong quý I/2023 đạt 18.300 tỉ đồng cho thấy áp lực mua lại trước hạn vẫn hiện hữu.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và các năm tới đây. Ảnh: VCBS

"Ngành bất động sản tiếp tục ghi nhận làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn. Điểm tích cực giai đoạn này là giải pháp ngắn hạn về việc cho phép thay đổi điều khoản trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn" - VCBS nhận định.

Đối với các doanh nghiệp, việc lãi suất trên thị trường ngừng tăng là điểm tích cực giúp các tổ chức phát hành tập trung vào giai đoạn tái cấu trúc trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.

Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý trong giai đoạn hiện nay, tâm lý các nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhân, bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lý giải một phần sức ép lên các hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn.

"Như vậy, mặt bằng lãi suất cao đi cùng với việc nhà đầu tư cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến thị trường này trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư khi xét tới tương quan rủi ro - lợi nhuận" - VCBS đưa đánh giá.

Còn đối với nhà đầu tư tổ chức, nhu cầu đầu tư các khoản trái phiếu doanh nghiệp cũng được dự báo có xu hướng giảm khi mức độ rủi ro được đánh giá tăng thêm.

Cũng theo VCBS, cùng với đó, lựa chọn kênh đầu tư trái phiếu Chính phủ đã trở lại mức định giá hấp dẫn so với nhiều năm trước cũng là yếu tố khiến giảm tính cạnh tranh của kênh trái phiếu doanh nghiệp. Điểm tích cực giai đoạn này là các cơ quan quản lý đã và đang tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn với thị trường.

Với các dữ kiện trên, VCBS cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng với thanh khoản thấp. Điểm đáng chờ đợi sẽ là thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tập trung đi vào vận hành và đem lại tính thanh khoản tốt hơn đối với sản phẩm này.

Đối với khối lượng trái phiếu đáo hạn, VCBS ước tính áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ lên đến đỉnh điểm trong năm 2024.

Đơn vị này ước tính khối lượng trái phiếu đáo hạn sẽ chạm ngưỡng 350.000 tỉ đồng trong năm 2024, ước khi giảm xuống quanh mức 220.000 tỉ đồng như năm 2023.

Như Lao Động phản ánh, nhiều doanh nghiệp phát hành đang phải chịu mức lãi suất trái phiếu rất cao như Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons đang trả lãi trái phiếu lên đến 17,75%/năm, trong khi lãi suất trái phiếu cao nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital là 14%/năm và Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt là 15%/năm. 

Chi phí lãi vay phình to trong quý I/2023 là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm, thậm chí thua lỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn