MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp có dự nợ vay EUR và USD đang đau đầu khi tỷ giá có chiều hướng tăng

Doanh nghiệp đau đầu với biến động tỷ giá

Bảo Chương LDO | 19/10/2017 12:29
Từ đầu năm đến nay, sự tăng giá mạnh trở lại của đồng EUR đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp (DN) vay nợ lớn bằng đồng tiền này ảnh hưởng. Tương tự như vậy, áp lực tăng tỷ giá USD mùa cuối năm đang trở lại nguy cơ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp có vay nợ USD lớn.

Chịu ảnh hưởng nặng nề phải kể đến Công ty cổ phần (CTCP) Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2). Báo cáo tài chính (BCTC) của NT2 cho thấy, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục có nguồn gốc ngoại tệ tại đơn vị lên đến 188,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017. Lỗ tỷ giá là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính của NT2 tăng 2,16 lần trong nửa đầu năm và khiến lợi nhuận trước thuế (LNTT) giảm 35% trong khi lãi vay giảm và lợi nhuận gộp chỉ giảm 6,5%.

Đối với NT2, với dư nợ lên tới 89,6 triệu USD và 81,1 triệu EUR tính đến cuối quý II/2017, phân tích độ nhạy của NT2 cho biết, nếu tỷ giá USD và EUR biến động 3%, LNTT sẽ tăng/giảm tương ứng 123,7 tỷ đồng.

Một loạt DN ngành xi măng cũng “khóc ròng” vì biến động của tỷ giá. Tại CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS), 6 tháng 2017, chi phí tài chính của BTS là 120 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu từ lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục ngoại tệ tăng gấp 7,1 lần, từ 6,7 tỷ đồng lên 47,6 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận tài chính âm 119,6 tỷ đồng, bằng 51% lợi nhuận gộp. Tính đến thời điểm 30/6/2017, BTS có số dư nợ 22,7 triệu EUR, tương đương 586 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 6 tháng của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) cũng suy giảm mạnh do đồng EUR tăng so với VND. Cụ thể, trong khi lãi vay giảm từ 178 tỷ đồng về 160 tỷ đồng thì lỗ chênh lệch tỷ giá tăng 11,8 lần, từ 7,2 tỷ đồng nửa đầu 2016 lên 83,6 tỷ đồng trong nửa đầu 2017, qua đó đẩy chi phí tài chính tăng 26,3%, LNTT giảm 38,3% so với cùng kỳ, xuống còn 287,2 tỷ đồng.

Tại HT1, dù không thuyết minh về dư nợ ngoại tệ gốc, nhưng dư nợ tín dụng bằng đồng EUR quy đổi sang VND cũng lên đến 1.226,6 tỷ đồng. Ước tính, nếu tỷ giá EUR/VND tăng/giảm 1% thì LNTT của BTS sẽ tăng/giảm thêm 5,9 tỷ đồng và HT1 là 12,26 tỷ đồng.

Như vậy, với biến động đồng EUR tiếp tục tăng giá so với VND thời gian qua, áp lực chi phí chênh lệch tỷ giá dự báo sẽ chưa thể suy giảm đối với các DN vay nợ đồng tiền này, trước mắt là trong báo cáo tài chính quý III/2017 sắp được công bố.

Trong khi đồng EUR tăng giá khiến doanh nghiệp khóc ròng thì tỷ giá USD lại diễn biến khá “bình lặng” trong 9 tháng đầu năm nay, phần nào giúp những doanh nghiệp có tài sản được tài trợ chủ yếu bằng đồng tiền này “dễ thở”. Tuy nhiên, quý IV thường có diễn biến khác, bởi càng về cuối năm nhu cầu ngoại tệ càng tăng khi DN phải trả nợ, thanh toán hết hợp đồng…do đó đang có nhiều lo ngại tỷ giá USD sẽ có chiều hướng tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn