MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp FDI kiến nghị Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cấp giấy phép kinh doanh. Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh nghiệp FDI mong Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Đức Mạnh LDO | 17/04/2024 09:38

Thủ tục hành chính phức tạp như cấp giấy phép được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là rủi ro lớn khi đầu tư vào Việt Nam. Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Cấp giấy phép kinh doanh cần nhanh chóng hơn

Trước tình trạng gián đoạn sản xuất do căng thẳng địa chính trị, Việt Nam ngày càng nâng cao uy tín nhờ việc khẳng định vị thế thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có triển vọng thứ hai trên thế giới để các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên theo khảo sát của JETRO năm 2023, các thủ tục hành chính phức tạp như cấp giấy phép được coi là rủi ro lớn nhất tại môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các công ty Nhật Bản.

Ông Muto Shiro - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) - cho biết: "Mặc dù Hội đồng cố vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã xác định các vấn đề và thực hiện nhiều cải cách khác nhau như đơn giản hóa luật và các quy định, số hóa thủ tục hành chính, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn được thấy nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính".

Đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Muto Shiro kiến nghị việc cấp giấy phép kinh doanh nhanh chóng sẽ giúp tạo dựng hoạt động kinh doanh bằng cách sử dụng những công nghệ tiên tiến trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, tình trạng chậm trễ trong thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng do cơ quan thuế áp đặt các điều kiện khắt khe hơn cũng gây khó khăn tài chính cho các công ty do dòng tiền eo hẹp. Do đó các thủ tục hành chính nên được thực hiện suôn sẻ, kịp thời, không đặt ra các điều kiện hoặc yêu cầu nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.

Còn với các doanh nghiệp Mỹ, ông Joseph Uddo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội) - cho biết, cũng đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong thủ tục phê duyệt và các gánh nặng hành chính tốn thời gian. Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Ông Joseph Uddo cho rằng, cần có sự phê duyệt kịp thời đối với giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan, giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài.

Đặc biệt là các chuyên gia, cũng như việc sử dụng Chính phủ điện tử và phê duyệt điện tử cần sự đáng tin cậy và nhất quán. Nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử.

Rút ngắn thời gian làm thủ tục giải thể

Theo ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), thời gian để doanh nghiệp hoàn tất việc giải thể trên thực tế sau khi nộp hồ sơ xin giải thể ngày càng kéo dài. Trước đây, mất khoảng 6 tháng để hoàn tất thủ tục này nhưng đến nay có nhiều trường hợp đã kéo dài hơn 1 năm nhưng vẫn chưa hoàn tất giải thể. Nguyên nhân chính là do các cơ quan thuế và cơ quan hải quan Việt Nam không tiến hành kiểm tra thuế/hải quan đối với doanh nghiệp đăng ký giải thể nên doanh nghiệp không thể hoàn tất thủ tục liên quan đến thuế.

"Thủ tục giải thể bị chậm trễ, các cổ đông cũng gặp khó khăn trong việc thu hồi số vốn còn lại sau khi giải thể. Điều này tạo ra nhận thức tiêu cực cho rằng việc thu hồi tiền đầu tư tại Việt Nam rất khó, khiến hoạt động đầu tư có thể trở nên e dè. Do đó, đề nghị có biện pháp để thủ tục giải thể được diễn ra bình thường trong thời gian ngắn" - Chủ tịch Kocham cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn