MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành gỗ. Ảnh: DN

Doanh nghiệp gỗ tìm hướng tăng đơn hàng xuất khẩu

THU GIANG LDO | 10/11/2022 09:09

Kết quả kinh doanh những tháng cuối năm 2022 của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng do tác động của lạm phát, người tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu thắt chặt chi tiêu.

Đơn hàng giảm mạnh 

Báo cáo tài chính quý III/2022 của một số doanh nghiệp ngành gỗ cho thấy những tác động tiêu cực của tình hình lạm phát tại thị trường xuất khẩu.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ và Châu Âu, Công ty cổ phần Phú Tài (PTB) có lợi nhuận trước thuế cốt lõi tăng 17% trong quý III/2022. Tuy nhiên, so với quý II/2022, lợi nhuận trước thuế cốt lõi của Phú Tài đã giảm 34% do kết quả kinh doanh kém khả quan từ mảng nội thất gỗ, dù cuối năm thường là mùa cao điểm sản xuất. 

Đáng chú ý, doanh thu và lợi nhuận gộp từ mảng nội thất gỗ của Phú Tài trong quý III/2022 đã lần lượt giảm 33% và 45% so với quý II/2022. Trong bối cảnh thị trường bất động sản Mỹ suy yếu, nhiều khách hàng cũng đã phải xả hàng sau khi trữ quá nhiều tồn kho trong giai đoạn trước đó, khiến việc xuất khẩu nội thất gỗ của Việt Nam càng trở nên trầm trọng hơn trong ngắn hạn.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long, lượng đơn hàng của công ty trong quý IV/2022 đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.

Ông Thanh cho hay, trước đây các nhà bán buôn đồ nội thất tại các nước đều đưa ra dự báo thị trường rồi mới nhập khẩu hàng dự trữ trước. Nhưng trong tình hình nhiều bất ổn như hiện nay, đa số doanh nghiệp đều đưa lượng tồn kho về mức rất thấp.

DN tìm cách thích ứng, đa dạng thị trường 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến ngày 15.10 đã đạt 12,8 tỉ USD, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, so với mục tiêu xuất khẩu đạt 16,5 tỉ USD trong năm nay, ngành gỗ đã hoàn thành được 77,6% và còn cần thêm 3,7 tỉ USD trong thời gian còn lại để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thực tế, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang gặp khó và tiếp tục giảm tốc ở một số thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu (EU)...

Cụ thể tại Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành gỗ (chiếm hơn 55% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng trong 9 tháng đầu năm) đang tiếp tục diễn biến sụt giảm. Đây cũng là yếu tố chính khiến ngành gỗ dù ghi nhận tăng trưởng nhưng vẫn khó lạc quan trong các tháng còn lại của năm 2022.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng vấn đề lạm phát đang ảnh hưởng, tác động tăng trưởng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ trong những tháng cuối năm 2022. Đặc biệt, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là các nước EU, cùng với tác động từ các cuộc xung đột khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì, thắt chặt chi tiêu. 

Do đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ của Việt Nam khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.

Các chuyên gia của Tổ chức Forest Trends đưa ra giải pháp, để thích ứng, một số doanh nghiệp cần phải tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và lựa chọn giảm giá sản phẩm để kích cầu.

Không chỉ gặp khó với thị trường xuất khẩu, thị trường gỗ nội địa cũng đang bị giảm doanh thu đáng kể. Các sản phẩm gỗ xuất khẩu hiện đã giảm 30%, doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm gần một nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. 

Trước những thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn có hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng Ngân hàng Nhà nước với các chính sách như giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, để doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng lượng đặt đơn hàng trong những tháng còn lại của năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn