MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp góp ý giải pháp và siết cấp phép kinh doanh xăng dầu

Cường Ngô LDO | 11/02/2023 12:33

Theo doanh nghiệp do Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định một số điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu có chỗ còn chưa chặt chẽ. Vì vậy, cần phải tăng thêm các điều kiện để cấp phép kinh doanh xăng dầu.

Đề nghị bỏ thương nhân phân phối

Góp ý sửa đổi dự thảo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, đại diện Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho biết, dự thảo lần 2 được đưa ra xin ý kiến chưa quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát, cấp giấy phép và điều hành giá xăng dầu.

Dự thảo cần đưa ra những giải pháp chi tiết, cụ thể đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác điều hành, quản lý của các cơ quan chức năng, không để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi trục lợi, gây bất ổn thị trường xăng dầu trong nước.

Về quan điểm sửa đổi, bổ sung, theo doanh nghiệp này, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần vận hành theo quy luật kinh tế thị trường, nhưng có sự quản lý điều tiết của nhà nước.

Việc sửa đổi, bổ sung nghị định phải bảo đảm được yêu cầu hàng đầu là đủ nguồn cung xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh năng lượng quốc gia. Cùng với đó, thị trường phải phát triển lành mạnh, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo doanh nghiệp này, do Nghị định 83 (Điều 8) và Nghị định 95 (khoản 7 điều 1) quy định một số điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu có chỗ còn chưa chặt chẽ, chưa nâng cao năng lực tiềm năng của doanh nghiệp tham gia vào thị trường kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, cần phải tăng thêm các điều kiện để cấp phép kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung vào điều 7, mục I, về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; điều 27 về điều kiện kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu và mục 8, chương II Nghị định 83 như sau:

Theo đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có cảng, khu chuyển tải chuyên dùng phải từ 12.000 đến 50.000 m3/tấn; kho sức chứa 50.000 đến 100.000 tấn; sản lượng tiêu thụ trong nước từ 50.000 đến 100.000 tấn/tháng; hệ thống cửa hàng thuộc sở hữu phải có từ 15-20 cửa hàng (không tính sở hữu chung, liên doanh liên kết, nhượng quyền.

Hệ thống đại lý phải có từ 45-50 đại lý; năng lực tài chính phải được các tổ chức tín dụng xác nhận 3 đến 5 năm có quan hệ cấp hạn mức tín dụng.

Nhiều cửa hàng đóng cửa ngừng bán thời điểm cuối tháng 1.2023. Ảnh: Cường Ngô

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điều 13 mục 3, chương II, Nghị định 83 về điều kiện đối với thương nhân phân phối xăng dầu trong như sau: Bỏ quy định "Thương nhân phân phối" vì là tầng nấc trung gian và có hệ thống đại lý, tổng đại lý và cửa hàng trực thuộc, cửa hàng chung.

Khi nguồn cung khan hiếm, các thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu sẽ chỉ lo cho hệ thống của mình và sẽ cắt giảm sản lượng của thương nhân phân phối, gây nên tình trạng đứt gãy nguồn đầu vào xăng dầu trên thị trường nội địa.

Trong dự thảo đề cập đến thương nhân phân phối được mua hàng từ 3 đầu mối. Tuy nhiên, dù có mua đến 10 đầu mối, nhưng khi xảy ra tình trạng khó khăn về nguồn cung - sẽ không đầu mối nào bán cho tầng nấc trung gian là thương nhân phân phối này.

"Thực tế, Nghị định 83 và 95 đều cho phép loại hình này được mua bán từ nhiều đầu mối và không giới hạn mua từ 3 đầu mối, nhưng vẫn xảy ra tình trạng đứt nguồn, khan hiếm hàng.

Bởi, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đầu mối vẫn có nhiều lý do để không giao hàng cho thương nhân phân phối, như giá cao vì điều hành giá chỉ điều hành theo giá bán lẻ, dẫn tới tình trạng mua buôn giá cao và bán lẻ giá thấp như thời gian vừa qua", đại diện doanh nghiệp cho biết.

Đại lý bán lẻ nên lấy hàng từ 1 đầu mối

Đại diện Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điều 21, mục 5, chương II Nghị định 83 về đại lý bán lẻ như sau: Đại lý bán lẻ phải ký với 1 đầu mối, vì nếu đại lý lấy xăng A95 của nhiều đầu mối, thì mỗi lần cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá thì đại lý đó sẽ bán theo giá của đầu mối nào?

Hoặc đại lý đó phải để riêng xăng A95 của từng đầu mối và cửa hàng của đại lý đó sẽ làm từng cột xăng cùng chủng loại A95 cho từng đầu mối.

Mặt khác, nếu quy định như vậy còn gây khó khăn trong công tác thu hồi sản phẩm khi chất lượng sản phẩm không đạt. Cơ quan quản lý như quản lý thị trường, cơ quan kiểm tra về chất lượng sẽ rất khó khăn để xử lý khi không biết lấy của nguồn nào.

Việc không cần qui định đại lý bán lẻ được mua với nhiều đầu mối có thể giải quyết được bằng phương án: Khi đại lý có thay đổi về đơn vị cấp hàng (đầu mối) thì kiến nghị lên Sở Công Thương để giải quyết trong phạm vi 2-3 ngày, nhằm đảm bảo nguồn cung của đại lý bán lẻ được vận hành liên tục và không bị gián đoạn bán hàng cho người tiêu dùng.

Đồng thời, cần có quy định cụ thể về công thức tính giá hiện nay đã bị lỗi thời vì cơ bản công thức này đã lạc hậu, lỗi thời, chi phí tạo nguồn cộng thêm giá bình quân gia quyền từ khi có Nhà máy lọc hóa dầu Nghi sơn. Do đó, cần tính giá các loại chi phí tạo nguồn của hàng nhập khẩu vào công thức giá.

Cụ thể, cần bổ sung, sửa đổi Điều 38, Nghị định 83 về giá bán xăng dầu: Có thể tính cước chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam và các chi phí vận tải từ các nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho đầu nguồn một tháng,hoặc quý tính một lần (giá thành của khâu nhập khẩu lấy từ 5-6 doanh nghiệp nhập khẩu có thị phần lớn về sản lượng nhập khẩu).

Chi phí lưu thông từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ đối với xăng dầu tối thiểu là 6%/giá bán lẻ hoặc 500 đồng/lít nhằm đảm bảo duy trì sự tồn tại của hệ thống bán lẻ trên thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn