MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Lam Giang

Doanh nghiệp Hà Nội cần dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để hồi phục

Phạm Đông LDO | 14/02/2024 12:30

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp.

Doanh nghiệp thành lập mới ở Hà Nội tăng 54%

Theo UBND TP Hà Nội, năm 2023, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,27%, quy mô GRDP đạt 54,5 tỉ USD; số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 31,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,3% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt hơn 380.000.

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Thủ đô có dấu hiệu khởi sắc ngay trong tháng đầu năm 2024.

Thành phố đã thu hút 866,8 triệu USD vốn FDI, trong đó có 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 859,4 triệu USD;

Có 6 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 5,1 triệu USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 7 lượt, đạt 2,3 triệu USD.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp tư nhân, trong tháng 1.2024, thành phố có 2.529 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, với số vốn đăng ký mới đạt 35,4 nghìn tỉ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 3.660 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 50% so với cùng kỳ.

Ngược lại, cũng có 12,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 56% so với cùng kỳ. Cơ quan chức năng đã thực hiện thủ tục giải thể cho 457 doanh nghiệp, tăng 52%; 394 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 32% so với cùng kỳ.

Dây chuyền sản xuất cấu kiện động cơ máy bay tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Nhật Nam

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, giá nhiên liệu đầu vào và lạm phát đứng ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất. Kinh tế thế giới chưa hồi phục đã khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng kéo theo sự sụt giảm sản xuất ngành công nghiệp.

Việc thiếu đơn hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm hoặc việc làm của người lao động.

Mặc dù dự đoán hoạt động sản xuất năm 2024 sẽ “sáng” hơn năm 2023, song các doanh nghiệp đều cho rằng, cần thêm trợ lực nhất là vấn đề vốn để nắm bắt cơ hội thị trường.

Cần dễ dàng tiếp cận nguồn vốn

“Triển vọng thị trường năm 2024 với doanh nghiệp là sáng, nhưng nếu những khó khăn trước mắt, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng không được hỗ trợ “khơi thông” thì doanh nghiệp cũng khó nắm bắt cơ hội” - Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội Phạm Hồng Việt thông tin với báo chí.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính.

Theo ông Nguyễn Vân, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn nhiều.

Mặc dù doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài.

Do vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp.

Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Với mục tiêu “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, trong năm 2023, Hà Nội cũng đã giảm thuế giá trị gia tăng cho 105.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 29.000 tỉ đồng; gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp với số tiền hơn 20.000 tỉ đồng… giúp doanh nghiệp dần phục hồi và phát triển.

Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức nhiều phiên họp có sự tham gia của các bên liên quan.

Lãnh đạo UBND thành phố cam kết cùng với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đồng hành, kề vai sát cánh, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản để các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động thuận lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn