MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp hờ hững vì giảm lãi suất chưa phải chìa khoá

Đức Mạnh LDO | 26/05/2023 07:10

Khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp đang là câu chuyện lớn lúc này. Chuyên gia đánh giá hiện nay chính sách tiền tệ đã rất linh hoạt, chính sách tài khoá cũng hỗ trợ tích cực. Vấn đề hiện nay chỉ nằm ở doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn không dám vay vốn

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành ba lần liên tiếp. Từ đó đưa mức lãi suất điều hành và trần lãi suất sau ngày 25.5 gần như tương đương mức hỗ trợ nền kinh tế lúc ban đầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên đến hết quý I, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kì năm 2022. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. 

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - lý giải chính sách tiền tệ hiện đã rất linh hoạt, chính sách tài khoá cũng hỗ trợ tích cực. Vấn đề hiện nay nằm ở các doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp không vay vốn nhiều vì không đủ điều kiện vay (nợ xấu, không có tài sản đảm bảo). Bản thân họ cũng không muốn vay vì không có đơn hàng để sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp sản xuất hàng ra không bán được, lưu kho nhiều, xuất khẩu suy giảm, nên không có dòng tiền quay vòng. Từ đó khó có thể vay vốn ngân hàng, nợ chuyển thành nợ xấu, nợ quá hạn. Nếu kể cả có vay được thì cũng chỉ được ít để bổ sung vốn lưu động" - chuyên gia cho biết. 

Đồng thời, bản thân các ngân hàng thương mại cũng là các doanh nghiệp. Rất khó để hạ thấp tiêu chuẩn xét duyệt vì ngân hàng phải nhận thấy an toàn, có lãi thì mới dám cho vay. 

Đồng quan điểm, ông Trịnh Viết Hoàng Minh - chuyên viên phân tích tại Chứng khoán ACB (ACBS) - đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế nước ta và hiện tại đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. 

"Giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023" - ông Minh nói.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành ba lần liên tiếp. Ảnh: SBV 

Chìa khoá để thúc đẩy tăng trưởng  

Theo chuyên gia từ ACBS, gần đây Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác như Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ. Ông Minh kì vọng những chính sách này sẽ giúp bù đắp suy giảm tiêu dùng nội địa.

Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải phóng dòng vốn. Chính phủ cũng dự định đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023. Đây là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế về Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered - cũng cho rằng, với chính sách tài khóa, điều quan trọng nhất lúc này là giải ngân đầu tư công thật nhanh để hỗ trợ nền kinh tế. Cần đầu tư mạnh hơn vào các cơ sở hạ tầng. Đây sẽ là chìa khóa.

Để các chính sách lan tỏa và tác động đến nền kinh tế, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân tại Chứng khoán Yuanta - tin rằng, phải chờ đến quý III vì cần độ trễ nhất định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn