MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 1 tuần 1 lần, cố định vào thứ Năm hàng tuần. Ảnh: PLX

Doanh nghiệp kêu "khó chồng khó" nếu giá xăng điều chỉnh 1 tuần 1 lần

Anh Tuấn LDO | 12/10/2023 16:45

Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng rút ngắn càng tốt, nhưng quan trọng là năng lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu. Thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp đồng tình với thời gian điều chỉnh giá 10 ngày là phù hợp với khả năng nhập và bán hàng, đồng thời phù hợp với chỉ số giá của Tổng cục Thống kê.

Tại sao chọn ngày thứ Năm điều hành giá xăng dầu

Trước đề xuất của Bộ Công Thương về việc giá xăng dầu có thể điều chỉnh từ 10 ngày xuống 7 ngày/lần, trao đổi với Lao Động, TS Giang Chấn Tây – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, hiện nay, nhà nước vẫn coi xăng dầu là mặt hàng chiến lược cần quản lý, đưa xăng dầu vào nhóm mặt hàng bình ổn giá.

Nhà nước vẫn can thiệp để điều chỉnh giá xăng dầu, tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Do vậy, khi xăng dầu chưa theo vận hành theo cơ chế thị trường thì việc đề xuất điều hành giá mỗi tuần một lần là chưa phù hợp.

Bởi xăng dầu là hàng hoá đặc biệt, không phải mua bán như hàng hoá thông thường, mà cần có lượng hàng dự trữ phù hợp với sức chứa của bồn bể để chống hao hụt, giao nhận hàng là phải ngưng bán hàng.

"Việc giảm thời gian điều chỉnh giá khi xăng dầu chưa vận hành theo cơ chế thị trường chắc chắn tác động tiêu cực đến việc giảm quy mô kinh doanh, hao hụt tăng lên, nguy cơ cháy nổ cao hơn, sổ sách kế toán phức tạp hơn…

Việc chi phí tăng lên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, kéo theo thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn quốc", TS Giang Chấn Tây cho hay.

Giá xăng dầu có thể được điều chỉnh theo chu kỳ 7 ngày thay vì 10 ngày như hiện nay. Ảnh: Nguyễn Vũ

Bên cạnh đó, vị giám đốc công ty xăng dầu cho rằng, cần phải đặt câu hỏi với Bộ Công Thương tại sao lại không giữ nguyên 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu mà phải là 7 ngày điều chỉnh giá? Tại sao không chọn ngày khác mà nhất quyết phải là ngày thứ Năm. Thứ Năm được giải thích như thế nào, có lợi cho ai? Điều này rất cần Bộ Công Thương nói rõ.

"Việc quản lý, điều hành các vấn đề liên quan đến kinh tế, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể, tôi cho rằng, các nhà quản lý không nên quyết định vấn đề theo cảm tính mà phải được các nhà kinh tế, các nhà khoa học có am hiểu nghiên cứu, phân tích, so sánh kỹ trước khi đưa ra thành quy định để thực hiện", ông nói.

Năng lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng rút ngắn càng tốt, nhưng quan trọng là năng lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu.

Thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp đồng tình với thời gian điều chỉnh giá 10 ngày là phù hợp với khả năng nhập và bán hàng, đồng thời phù hợp với chỉ số giá của Tổng cục Thống kê.

“Năng lực của cơ quan quản lý trong thời gian 7 ngày của chu kỳ điều chỉnh phải xác định được giá bán sát với giá thị trường, có tính đến vấn đề hạch toán và chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Càng rút ngắn thời gian điều chỉnh càng có ưu điểm sát với giá thị trường.

Nếu để thời gian xa quá (như trước kia là 30 ngày) sẽ rất bất cập vì nhiều khi giá thị trường thế giới đang lên, nhưng nếu tính bình quân giá bán trong nước lại giảm hoặc ngược lại, có thể giá thị trường thế giới đang xuống nhưng giá xăng dầu trong nước lại tăng”, TS Ngô Trí Long chỉ rõ.

Tại báo cáo tóm tắt của Bộ Công Thương về tờ trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 kinh doanh xăng dầu, gửi Văn phòng Chính phủ ngày 10.10, Bộ nêu hai phương án điều hành giá.

Một là giữ nguyên như hiện nay nhưng rà soát và sửa quy định về phương thức, tần suất xác định các chi phí để tính đúng, đủ và kịp thời hơn cho doanh nghiệp.

Phương án thứ hai, nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, doanh nghiệp đầu mối trên cơ sở này sẽ tự xác định, công bố giá bán lẻ. Sau đó họ báo cáo về liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.

Sau phân tích và ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giữ nguyên cách điều hành giá như hiện nay để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước.

Tuy nhiên, thời gian rà soát các chi phí đưa vào giá xăng dầu được đề nghị rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Thời gian giữa hai chu kỳ điều hành giá cũng rút ngắn từ 10 ngày hiện tại xuống 7 ngày, cố định vào thứ Năm hàng tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn