MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung xăng dầu thiếu hụt trong thời gian qua. Ảnh: Tùng Giang

Doanh nghiệp không nhập giọt xăng dầu nào, Bộ Công Thương thiếu giám sát

Anh Tuấn LDO | 10/11/2022 12:20

Theo các chuyên gia kinh tế, việc kiểm tra, giám sát không kỹ lưỡng của Bộ Công Thương, ngân hàng thương mại là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dòng tiền từ vay ưu đãi ngân hàng sử dụng trái mục đích, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Đến khi thị trường này biến động mạnh mẽ, nguồn tiền của những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu suy giảm, từ đó nguồn cung xăng dầu cũng bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương cần kiểm tra, giám sát hạn mức phân giao 

Nói về nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu thiếu hụt trong thời gian qua, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngoài việc có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, xăng dầu lậu, còn có doanh nghiệp xăng dầu tham gia bất động sản, chứng khoán nên nguồn tiền bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp thì họ không có nguồn tiền nhập.

Nhận định này của trưởng ngành Công Thương ngay lập tức nhận được sự quan tâm của bạn đọc và các chuyên gia kinh tế đầu ngành. 

Theo các chuyên gia kinh tế, nhắc đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, người ta thường nghĩ đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp...

Tuy nhiên, bất chấp cuộc chơi chủ yếu nằm trong tay các ông lớn kể trên, lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vẫn rất hấp dẫn. Thực tế cho thấy, danh sách doanh nghiệp tham gia mảng này có sự tăng trưởng trong 5 năm trở lại đây. 

Cụ thể, nếu năm 2015 chỉ có 19 đầu mối, thì đến nay đã tăng gấp đôi, lên 38 đầu mối (trong đó có một số doanh nghiệp nhiên liệu bay, một số doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thuế, không được phép nhập khẩu).

Trong đó, có những doanh nghiệp ngoài kinh doanh xăng dầu, còn lấn sân sang lĩnh vực đầu tư chứng khoán, bất động sản, nông sản… Hệ lụy của việc đầu tư trái mục đích này khi thị trường chứng khoán biến động, nhiều doanh nghiệp bị vơi dòng tiền để nhập khẩu xăng dầu.

Nguồn cung nhỏ giọt, nhiều cửa hàng xăng dầu thiếu hàng trong thời gian vừa qua. Ảnh: Tùng Giang

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối đã được Bộ Công Thương phân giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp.

Khi đã phân giao, Bộ Công Thương cần phải kiểm tra xem doanh nghiệp có nhập không, nhập thế nào, có đảm bảo hạn mức không? Tại sao trong trường hợp này, Bộ Công Thương không kiểm tra, không giám sát?

Theo ông Thịnh, chính vì Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo cho nên mới có chuyện trong quý 3 chỉ có 19/33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, còn lại 14 doanh nghiệp không nhập giọt xăng nào. Như vậy, thiếu nguồn cung xăng dầu là đương nhiên. 

"Việc phân giao nhập khẩu xăng dầu phải phân đúng cho doanh nghiệp, đúng khu vực và đúng thời điểm. Ví dụ, thời điểm này ở các tỉnh thành miền Tây đang là mùa nước nổi, bà con kinh doanh buôn bán tàu thuyền nhiều thì phải nhập nhiều xăng dầu.

Không kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp có dòng tiền từ vay ưu đãi ngân hàng sử dụng trái mục đích, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Khi thị trường này biến động mạnh mẽ, cuốn vào “cơn lốc” suy giảm thì nguồn tiền của những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kia cũng bị ảnh hưởng", ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, để xảy ra tình trạng này còn có trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Bởi ngân hàng khi cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có khoản vay ưu đãi thì phải kiểm tra, giám sát dòng tiền vốn vay như thế nào, thực hiện có đúng mục đích không, nhất là đây lại là vay ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu.

“Chính vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Công Thương cần rà soát kỹ những doanh nghiệp đầu tư trái mục đích, công khai những doanh nghiệp này để có những xử lý triệt để, quyết liệt. Phía ngân hàng thương mại cũng cần có động thái xử lý cứng rắn để dòng tiền được sử dụng đúng mục đích”, PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Xáo trộn thị trường xăng dầu vì cấp phép tràn lan

Trao đổi với Lao Động, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (đề nghị giấu tên) cho hay, nguyên nhân chính khiến thị trường xăng dầu "điêu đứng" trong thời gian qua là vấn đề cấp phép xuất nhập khẩu, phân phối xăng dầu tràn lan và không kiểm soát dòng tiền theo chương trình ưu đãi vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Theo quan điểm cá nhân của giám đốc này, trong 33 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, phân nửa doanh nghiệp không lấy mục đích kinh doanh xăng dầu, mà sử dụng hạn mức vay ngân hàng, ưu đãi được các doanh nghiệp nước ngoài cho nợ tiền hàng với lãi suất 0% để sử dụng vào mục đích kinh doanh khác như bất động sản, nông sản, tài chính...

"Những doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu có hạn mức vay cao hơn bình thường, thế chấp lại ít hơn. Ví dụ, một doanh nghiệp phân bón muốn vay ngân hàng sẽ phải thế chấp 100% tài sản mới được vay; còn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu, chỉ cần thế chấp 70% tài sản đã được ưu đãi vay rồi, còn lại 30% là tín chấp. Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu có thể vay đến 2.000 - 3.000 tỉ đồng”, ông nói.

Chính vì vậy, một khi thị trường xăng dầu biến động, các doanh nghiệp đầu mối (có nhập hàng) sẽ lo hàng cho hệ thống của mình trước, rồi mới bán cho các thương nhân phân phối. 

Nếu không đủ hàng, không bán được cho thương nhân phân phối thì hệ luỵ là hệ thống cửa hàng xăng dầu của thương nhân phân phối sẽ đứt nguồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn