MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan thuế đẩy mạnh triển khai hoá đơn điện tử. Ảnh: Tổng cục Thuế

Doanh nghiệp kiến nghị hoàn thiện các quy định về hoá đơn điện tử

TRÍ MINH LDO | 10/10/2023 15:08

Góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, vừa qua, một số doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều vấn đề để hoàn thiện các quy định liên quan đến lập hoá đơn điện tử (HĐĐT).

Theo đó, với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, việc áp dụng HĐĐT đã góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thời gian qua được cho đã bộc lộ một số vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung như các quy định về nguyên tắc lập hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn, nội dung hóa đơn, xử lý hóa đơn lập sai nhằm quy định minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện. Bổ sung giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng HĐĐT...

Góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP được Bộ Tài chính lấy ý kiến, bà Đào Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Bộ phận Đối ngoại & Trách nhiệm xã hội, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, hiện trong Dự thảo, Điều 4 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ "khi tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc, công cụ, dụng cụ" và "xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc nhận hoàn trả hàng hóa".

Bà Huyền cho biết, khi tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc, công cụ, dụng cụ, hoặc xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc nhận hoàn trả hàng hóa, doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hải quan và xuất hóa đơn thương mại theo đúng quy định. Cơ quan Hải quan quản lý rất chặt chẽ đối với các hoạt động này.

"Hoạt động này của doanh nghiệp không phải là hoạt động bán hàng, dịch vụ, không nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, doanh thu tại thị trường Việt Nam mà chỉ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp và chỉ thực hiện trong thời gian nhất định.

Vì vậy, việc phải xuất thêm hóa đơn nội địa của hệ thống thuế sẽ làm phát sinh thủ tục, tăng thêm nhân lực của doanh nghiệp. Nên doanh nghiệp đề xuất bỏ các quy định này giúp đơn giản hóa các thủ tục và hoạt động được quản lý tập trung bởi 1 đầu mối là Hải quan" - phía đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam cho hay.

Trong khi đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP cũng quy định khi hủy, điều chỉnh, thay thế HĐĐT đã lập sai, người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ nội dung sai hoặc người bán phải thực hiện thông báo cho người mua, thông báo trên website của đơn vị mình (nếu có).

Về vấn đề này, phía Công ty Cổ phần MISA có ý kiến việc quy định “hoặc người bán phải thực hiện thông báo cho người mua, thông báo trên website của đơn vị mình (nếu có)" gây khó khăn trong quá trình lựa chọn hình thức thông báo, gây khó hiểu nếu người bán có website thì nội dung thông báo như thế nào, thông báo trong bao nhiêu lâu, việc bảo mật thông tin hóa đơn có đảm bảo không?

Từ phía cơ quan chức năng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, đơn vị sẽ ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, nghiên cứu, sửa đổi quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

"Tổng cục Thuế sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình triển khai áp dụng HĐĐT để bảo đảm các doanh nghiệp sẽ thu được lợi ích tối đa trong quá trình sử dụng, bảo đảm hạn chế các gian lận về hóa đơn để cùng chung tay xây dựng Chính phủ điện tử góp phần phát triển kinh tế xã hội” - ông Đặng Ngọc Minh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn