MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay lên 6-9 tháng thay vì 3-4 tháng đã đáo hạn 1 lần. Ảnh: Mỹ Ly

Doanh nghiệp kiến nghị nâng gói tín dụng

Phan Anh - Minh Ánh LDO | 09/04/2024 06:52

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu ngành lâm, thủy sản cho rằng, để hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, thậm chí có bứt phá, việc tiếp cận được dòng vốn vay của ngân hàng là điều rất cần thiết.

Kéo dài gói tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách đồng hành. Trong đó, có đề xuất gói tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp lâm sản, thủy sản.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng khoảng 15.000 tỉ đồng, với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Chỉ sau chưa đầy 1 năm triển khai, gói tín dụng này hoàn thành giải ngân cho trên 6.000 lượt khách hàng. Tốc độ này cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm - thủy sản là rất lớn.

Để duy trì hoạt động, tái cơ cấu và mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp mong muốn tăng tín dụng, kéo dài thời hạn các khoản vay và tăng tỉ lệ tín chấp. Như tại Công ty TNHH Kẻ Gỗ (Hà Nội), ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc công ty - cho biết: "Đối với ngành gỗ, hàng hóa có thể để tồn kho lâu hơn. Khi tồn kho tăng, dòng tiền cũng suy giảm. Để DN phục hồi tốt hơn, chúng tôi cũng mong muốn thời hạn khoản tín dụng được kéo dài hơn lên 6-9 tháng".

Cũng liên quan đến dòng vốn vay trung và dài hạn, một DN xuất khẩu thủy sản tại Nam Định cho rằng, vốn vay hiện nay chủ yếu là vốn vay ngắn hạn, trong khi để phục hồi sản xuất kinh doanh hơn nữa, DN này mong muốn được tiếp cận dòng vốn trung và dài hạn hơn.

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng có thể cung cấp thêm các khoản vay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản kéo dài đến 30.6.2024, với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.

Đến nay, đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Doanh nghiệp cần hiểu ngân hàng

Trao đổi với Lao Động, TS Châu Đình Linh - Giảng viên trường ĐH Ngân hàng - cho biết: DN cần đánh giá dự án mình định triển khai có khả thi về tài chính hay không, có đủ cơ sở để thiết lập mối quan hệ với ngân hàng hay không. Tiếp theo, DN cần nhìn lại các lịch sử giao dịch với ngân hàng, uy tín của người đứng đầu ra sao.

Làm được những điều này, DN sẽ hiểu phía ngân hàng tình toán những gì. Thực tế, mỗi DN có mức độ rủi ro khác nhau. Nếu DN mới thiết lập mối quan hệ với ngân hàng thì NH sẽ chưa thể tin tưởng, lúc này ngân hàng sẽ yêu cầu tài sản đảm bảo. Sau khi đã thiết lập mối quan hệ tín dụng, DN uy tín trong việc trả nợ, mối quan hệ của DN và ngân hàng sẽ tốt lên, từ đó tạo tiền đề tốt cho những khoản vay tiếp theo.

Ngoài ra, thời gian gần đây NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải công khai lãi suất cho vay bình quân. Điều này giúp cho người dân, DN dễ dàng lựa chọn, so sánh vốn vay tại các ngân hàng, từ đó giúp gia tăng khả năng cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn