MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp logistics nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Ảnh: Vietship

Doanh nghiệp kiên trì khơi thông chuỗi logistics bị đứt gãy vì COVID-19

Vũ Long LDO | 31/08/2021 21:42

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, ngành logistics cũng bị ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp đang vật lộn để duy trì sản xuất

Doanh nghiệp dịch vụ logistics gặp nhiều khó khăn

Cũng như hệ thống logistics toàn cầu, dịch bệnh COVID-19 đã khiến logistics trong nước nhiều biến động, thậm chí đứt gãy. Sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống logistics, do đó, ngành logistics dù bị giáng những đòn nặng nề nhưng vẫn đang nỗ lực để duy trì sản xuất.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn), cho biết:

“Dịch bệnh tại TPHCM diễn biến rất căng thẳng, các cảng gặp nhiều khó khăn, thiếu công nhân, nhưng các cảng vẫn triển khai phương án phòng chống dịch, hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, vệ sinh, khử khuẩn… để duy trì dịch vụ tại Cảng Cát Lái” – ông Trương Tấn Lộc nhấn mạnh.

Ông Ngô Quang Hưng - Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải TPHCM cũng cho biết, khu vực TPHCM hiện có các bến cảng phục vụ đóng và xuất nhập khẩu gạo như bến 125 thuộc Tân Cảng Cát Lái, bến cảng SP-ITC. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số cảng chưa duy trì được sản xuất "3 tại chỗ" hoặc có công nhân là F0, F1 nên hiện TPHCM chỉ còn hai bến hoạt động đóng gạo là Bến cảng 125 với công suất 35-50 container/ngày và bến cảng SP-ITC với công suất 20-30 container/ngày.

Ông Cao Ngọc Minh - Giám đốc Tân Cảng Cái Cui chi nhánh ĐBSCL cũng nêu những khó khăn do hiện tại nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất cao, lực lượng lao động không đủ để đáp ứng.

"Chúng tôi duy trì được 2 tổ công nhân 30 người nuôi ăn tại cảng, tuy nhiên công nhân ngại làm việc tại chỗ nên rất khó khăn, tới nay đã gần 2 tháng, công nhân đã có tư tưởng không muốn ở lại cảng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ rất khó duy trì lực lượng công nhân"- ông Cao Ngọc Minh nói. 

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, ông Nguyễn Việt Anh cũng cho biết, chỉ riêng trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, mỗi tháng trung bình Việt Nam xuất khẩu 500 nghìn tấn, cao điểm lên 800 nghìn tấn,  tính ra mỗi tháng cần 10 nghìn container, 1 ngày cần 330 container và bình quân cần đến 20 tàu/tháng. Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 gián đoạn dịch vụ,  gây ra tình trạng tắc nghẽn ở tất cả các khâu: Thu hoạch ngoài đồng, vận chuyển lên ghe, thuyền, chở từ địa phương này sang địa phương kia… Tất cả các khâu logistics đều bị ùn ứ.

“Các doanh nghiệp đã tự xoay xở từ lâu, đã chia về các tỉnh để đóng container, nhưng do các cảng phải tuân thủ chống dịch, sản lượng giảm chỉ còn 10-20% nên việc tắc nghẽn đã xảy ra”- ông Nguyễn Việt Anh cho hay.

Nỗ lực hàn gắn chuỗi logistics phục vụ xuất khẩu

Ông Trương Tấn Lộc cho biết, để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo trong nước và quốc tế, Tân Cảng Sài Gòn đã tăng năng lực đóng hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng xuất khẩu gạo, đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng đồng thời duy trì phòng chống dịch.

Tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp khi Tân Cảng Sài Gòn đã thuyết phục hãng tàu Mearsk mở code tại cảng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lấy container rỗng và đóng hàng trực tiếp tại đây. Ngoài ra, đơn vị Vận tải thủy Tân Cảng có giải pháp đóng hàng bằng ponton tại kho của doanh nghiệp và thuê  một phần  bãi ở cảng Mỹ Thới để thực hiện dịch vụ đóng gạo, sản lượng trung bình đạt 20 container/ngày.

Cảng vụ hàng hải TPHCM cũng cho biết, để duy trì dịch vụ, doanh nghiệp đã đề nghị với một số đơn vị bốc xếp thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, tập hợp công nhân tại một khu vực, đảm bảo đầy đủ quy định về xét nghiệm COVID-19, khai báo y tế để được cấp giấy đi đường.

Tại Tân Cảng Cái Cui, "khoảng 90% cho lực lượng biên chế và công nhân đã được tiêm vaccine mũi 1, hiện chỉ còn khoảng 15 công nhân chuẩn bị được tiêm" - ông Cao Ngọc Minh thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn