MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp “lao” vào sản xuất, gồng mình để giữ đơn hàng

Cường Ngô LDO | 08/10/2021 09:27

Khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, để giữ các đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch nhận hàng và sản xuất cũng thay đổi để thích ứng với tình hình mới, từ 3-6 tháng, nay doanh nghiệp nhận đơn hàng theo tuần, thậm chí là ngày. 

"Gồng mình" giữ đơn hàng

Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua đã khiến chuỗi cung ứng rơi vào tình trạng đứt gãy, buộc nhiều doanh nghiệp phải dịch chuyển các đơn hàng. Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế trở lại, việc doanh nghiệp khôi phục sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, giữ đơn hàng được coi là nhiệm vụ tối quan trọng.

Trao đổi với Lao Động, ông Thân Đức Việt - CEO May 10 - cho biết, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trong năm 2021 đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do thiếu nguồn cung, đồng thời để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, nhiều nhà máy trực thuộc tổng công ty phải tạm đóng cửa.

Tuy nhiên, từ khi Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành nới lỏng giãn cách xã hội, để duy trì chuỗi cung ứng và giữ các đơn hàng, ông lập tức chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất để giữ đơn hàng. Ảnh: V.T 

"Trước kia, May 10 thường có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ 3-6 tháng, nhưng kể từ khi có dịch, chúng tôi thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày. 

Chúng tôi đã huy động người lao động làm thêm giờ hàng ngày, hoặc làm thêm một vài chủ nhật trong tháng bù đắp những thiếu hụt do không giao hàng kịp của những lần giãn cách trước", ông Việt nói.

Nói với Lao Động, bà Lê Ánh Tuyết - Phó chủ tịch Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành - cho hay, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, vấn đề lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh, địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng để duy trì các đơn hàng, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chúng tôi vẫn duy trì sản xuất.

"Có những đợt chúng tôi biết làm là lỗ do phát sinh quá nhiều chi phí như lo chỗ ăn ngủ "3 tại chỗ" cho công nhân, chi phí logistics… nhưng để giữ đơn hàng, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất", bà Tuyết nói.

Cần đưa ra các giải pháp phù hợp để giữ đơn hàng

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho hay, trong đợt dịch vừa qua, khó khăn là không phủ nhận, nhưng thực sự không đến mức tiêu cực như vậy.

Những con số thống kê về tình hình thu hút FDI 9 tháng đầu năm phần nào cho thấy, ngay cả ở thời điểm dịch vô cùng phức tạp vào tháng 8 và 9, FDI vào Việt Nam vẫn không bi quan như nhiều người tưởng. Và khi mở cửa nền kinh tế trở lại, doanh nghiệp cũng bắt tay ngay vào khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, thời gian vừa qua, việc giãn cách xã hội ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đã khiến việc sản xuất, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng. Từ đó, nhiều đơn hàng bị hủy, doanh nghiệp buộc phải chuyển đơn hàng sản xuất sang nước khác; đó không phải là chuyện hiếm gặp trên thương trường. 

Tuy nhiên, việc dịch chuyển các đơn hàng có thể xem là lời cảnh báo cho Việt Nam trong việc cần đưa ra các giải pháp phù hợp để giữ đơn hàng, giữ chân doanh nghiệp.

Giải pháp cần nghĩ tới đầu tiên đó là một kế hoạch hành động giữ chân người lao động, bởi nếu có đơn hàng mà không có người làm thì không giải quyết được vấn đề gì.

Doanh nghiệp nên có những chính sách khuyến khích công nhân ở lại nhà máy làm việc như cho công nhân ứng trước một phần lương tháng 10.

Bên cạnh đó, cần rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những lao động là đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của nhà nước để bảo đảm an sinh cho họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn