MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp nỗ lực xoay xở duy trì việc làm cho người lao động. Ảnh: D.N

Doanh nghiệp liên tục điều chỉnh, cân đối vì thiếu đơn hàng

lan nhi LDO | 14/11/2022 06:00
Đối mặt với chi phí tăng thêm vì tỉ giá biến động, nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải liên tục điều chỉnh, cân đối co hẹp sản xuất khi lượng đơn đặt hàng thiếu hụt trong những tháng cuối năm 2022.

Không như kỳ vọng

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả doanh nghiệp, không loại trừ đơn vị nào, bình quân lượng hàng đã giảm khoảng 30% so với đầu năm.

Cụ thể, tình hình sụt giảm đơn hàng quý IV/2022 càng nặng hơn và có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2023. Nguyên nhân là lạm phát tăng cao, khiến sức mua ở những thị trường lớn như Mỹ, EU lao dốc khiến các đối tác tồn kho lớn và không thể đặt hàng mới.

Đây là hai thị trường xuất khẩu chính, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam nên dù một số thị trường nhỏ vẫn duy trì được thì vẫn không sao bù đắp nổi mức thiếu hụt. 

Tương tự, ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans - cho biết, do khó khăn đến từ những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật, nên các doanh nghiệp dệt may buộc phải thay đổi, tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường khác như Úc, Canada, một số nước trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí một số sản phẩm xuất ngược sang Trung Quốc và hướng vào thị trường nội địa. 

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may - thêu đan TPHCM thông tin, so với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, hiện đơn hàng của ngành đã sụt giảm, chỉ còn 70-80% kể từ quý III/2022. Do đó các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang cố gắng duy trì, tiếp tục giữ hoạt động sản xuất bằng các biện pháp tình thế như cắt giảm, không tăng ca như trước. 

Tuy vậy, theo ông Phạm Xuân Hồng, một số các doanh nghiệp lớn trong nhiều ngành, trong đó có các doanh nghiệp FDI ngành dệt may đang phải cắt giảm lao động nhưng vẫn nỗ lực giữ các phúc lợi cho công nhân.

Dự báo quý I/2023 vẫn còn khó khăn nhưng đa số doanh nghiệp vẫn kỳ vọng những bất ổn trên thế giới cải thiện, kinh tế sớm phục hồi, tình hình đơn hàng sớm hồi phục.

Tiếp tục giải ngân nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp

Đề cập đến vấn đề nêu trên, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đưa ra nhận định, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm là câu chuyện chung của thế giới. Tương tự, trong bối cảnh lạm phát ở các nước tăng cao và Mỹ liên tục tăng lãi suất, nhiều ngân hàng Trung ương khác có động thái tương tự thì lãi suất và tỉ giá hối đoái ở Việt Nam cũng lên cao.

Lãi suất hay tỉ giá tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào doanh nghiệp. Hiện người tiêu dùng trong nước cũng đang có tâm lý tiết kiệm, sức mua sụt giảm nên doanh nghiệp sẽ gặp khó về đầu ra.

PGS-TS Ngô Trí Long dự báo trong năm 2023 những vấn đề của doanh nghiệp vẫn chưa thể chấm dứt. Vì vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu về mọi mặt từ nhân sự đến tài chính, quản trị rủi ro và bám sát diễn biến vĩ mô để thích ứng.

Dự báo tình hình các doanh nghiệp co cụm, cắt giảm lao động có thể còn diễn ra trong vài tháng tới. Trong khi đó, Chính phủ vẫn đang tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ kinh tế chính sách nhưng có một số chương trình cần đẩy nhanh hơn nữa như gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng nêu quan điểm, bản thân các doanh nghiệp nếu đã mất cân đối về tài chính thì càng khó khăn hơn các đơn vị khác. Khi lạm phát trên thế giới vẫn đang ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ tiếp tục nâng lãi suất thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải tự ứng biến và cố gắng xây dựng kịch bản riêng cho mình để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn