MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp ngành du lịch đang cần hỗ trợ dòng tiền để cầm cự qua giai đoạn dịch bùng phát trở lại. Ảnh: A. Dung

Doanh nghiệp lữ hành nghĩ đủ cách xoay tiền để sống

Gia Miêu LDO | 24/08/2020 13:53

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải tính đến giải pháp trả giấy phép kinh doanh lữ hành để rút tiền ký quỹ nhằm trả lương cho nhân viên trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Thông tin từ Sở Du lịch TPHCM cho biết, tính đến ngày 17.8, khoảng 90-95% trong tổng số 1.200 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã phải tạm ngừng hoạt động. Trong số này có không ít doanh nghiệp có quy mô và thị phần lớn trong phân khúc thị trường nội địa. Khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp không xoay ra được nguồn tiền để duy trì chi phí hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa được hỗ trợ đúng mức.

Chẳng hạn, các công ty lữ hành đang rất cần nguồn tiền để giải quyết khó khăn nhưng lại chưa thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Ngay cả những nơi chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng vẫn khó được phép vay vì du lịch vẫn là ngành nằm trong nhóm rủi ro cao và doanh nghiệp lữ hành thường không có tài sản thế chấp. Cụ thể, theo số liệu cập nhật mới nhất từ Sở Du lịch TPHCM, chỉ có 7 trong 50 doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú được hỗ trợ lãi suất cho vay sau các buổi làm việc giữa sở với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.

Anh Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch VVoyage, cho biết do ảnh hưởng COVID-19, ước tính doanh thu năm nay giảm 80%, trong khi vẫn phải trả các khoản chi phí như hỗ trợ nhân viên, điện, nước… nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Công ty vẫn đang ráng cầm cự cho đến hết quý 3/2020. Trong khi đó do là công ty du lịch nhỏ đa phần không có tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Từ hồi tháng 4, khối các doanh nghiệp lữ hành đã kiến nghị với ngành du lịch có thể cho doanh nghiệp rút tiền ký quỹ để trang trải chi phí hoạt động. Nhưng ngặt nỗi theo quy định doanh nghiệp phải làm thủ tục để xin dừng hoạt động, nghĩa là trả giấy phép kinh doanh lữ hành thì sáu tháng sau mới nhận được tiền ký quỹ. Và đã có không ít doanh nghiệp lữ hành đã phải chọn giải pháp này để có tiền trả lương cho người lao động. 

Lấy ví dụ từ công ty mình, anh Vũ cho hay công ty ký quỹ 500 triệu đồng. Trong tình thế bất khả kháng này, doanh nghiệp có thể cầm cự được nếu có cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp lữ hành vay lại 50%-70% tiền ký quỹ trong thời gian 6 tháng đến 1 năm thì có thể cầm cự được..., anh Vũ cho biết.

Giải pháp đó cũng vừa được Sở Du lịch TPHCM kiến nghị trong số hàng loạt chính sách gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Cụ thể là cho phép doanh nghiệp lữ hành được vay lại 50% tiền ký quỹ tại ngân hàng thương mại trong vòng một năm, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động để có thể khởi động lại khi dịch được khống chế.

Ngoài ra, Sở du lịch TP.HCM cũng kiến nghị những chính sách khác như cho doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng của năm 2020 trong vòng 6 - 12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020; giảm tiền điện, nước, phí intertnet... Tổng cục Du lịch cũng cần có kiến nghị để ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi bằng không để dùng tiền trả lương nhân viên. Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động nên kéo dài đến hết năm nay thì mới có thể hỗ trợ du lịch tồn tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn