MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo bán lẻ tại TPHCM tiếp tục tăng. Ảnh: Ngọc Lê

Doanh nghiệp lúa gạo thận trọng dự trữ hàng

NGỌC LÊ LDO | 27/01/2024 09:08

Hiện thị trường lúa gạo đang có nhiều biến động, giá gạo bán lẻ trong nước tăng. Để có thể ứng phó với tình trạng này, phía các doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp để duy trì các đơn hàng xuất khẩu.

Nỗ lực bình ổn giá gạo

Ghi nhận từ đầu tháng 1.2024, nhiều đại lý gạo tại TPHCM đã điều chỉnh tăng giá gạo bán lẻ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg (tùy loại). Đáng chú ý, gạo ST25 tăng 2.000 đồng/kg mỗi loại. Đây là lần biến động đầu tiên của gạo ST25 kể từ khi cơn sốt giá gạo xuất hiện nửa cuối năm 2023 đến nay.

Phía Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang - đơn vị sở hữu thương hiệu Gạo Ông Cua ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua, đã có thông báo đến các đại lý, đối tác về việc tăng giá các loại gạo trên thị trường từ ngày 5.1.

Theo Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang, tình hình giá lúa hiện nay tăng đột biến vì nhu cầu mua lúa của các công ty tăng cao nhưng số lượng lúa cung cấp không đủ đáp ứng thị trường, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao trong suốt 3 tháng qua. Phía doanh nghiệp đã cố gắng giữ giá cho các đối tác phân phối lâu năm, tuy nhiên với tình hình giá lúa biến động hiện nay, bắt buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá.

Ông Đinh Quang Thành - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Lương thực Phương Nam, tại TPHCM xác nhận giá gạo đang có một đợt tăng giá mới, tăng từ 7 - 10% tùy loại. Tuy nhiên, mức giá tăng này vẫn ở mức thấp để phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện phía đơn vị đang “cháy hàng” Gạo Ông Cua ST25 loại hộp 2kg.

Sở Công Thương TPHCM cũng đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu gạo cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng, khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu khác.

Để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành.

“Với nguồn lực hiện có, gồm các tập đoàn kinh doanh gạo quy mô lớn như Vinh Phát, Lương thực Thành phố, Tấn Vương, Lộc Trời... cùng với sự chia sẻ, phối hợp kịp thời của các địa phương vùng nguyên liệu, các hệ thống phân phối lớn, thị trường gạo trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu” - đại diện Sở Công Thương nhận định.

Cơ hội thị trường lúa gạo năm 2024

Theo ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ Phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, đơn vị đã ký xong đơn hàng của tháng 1 và tháng 2.2024, lên tới 785 USD/tấn.

Ngoài ra, còn 1 đơn hàng khác lên 865 USD/tấn. Dự báo trong năm 2024, giá gạo tiếp tục neo ở mức cao, giá gạo có thể tốt hơn khi doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn.

Dự báo về thị trường năm 2024, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đều cho biết không dám trữ hàng, mua đến đâu bán đến đó vì giá lúa gạo đang cao.

Ông Huỳnh Thế Vinh - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vinh Hiển Farm cũng thông tin, sự biến động quá lớn của giá gạo khiến doanh nghiệp khó tính toán. Năm nay, công ty phát triển thêm mảng sản phẩm chế biến từ gạo như bún gạo lứt tím và đã xuất khẩu thử sang một số thị trường.

Phía đại diện Công ty Cổ phần Lương thực A An cho biết, mới đây đơn vị tiếp tục có những đơn hàng xuất khẩu gạo Japonica sang Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Và đặt mục tiêu 10-20% trong tổng sản lượng xuất khẩu năm 2024 là lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải đạt đủ tiêu chuẩn vào các thị trường châu Âu.

Dự kiến thị trường gạo sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Trong khi đó, nhu cầu vẫn tăng trong dịp lễ Tết. Những yếu tố này sẽ tạo động lực cho giá gạo tăng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn