MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp mong làm sáng tỏ bất ổn thị trường xăng dầu từ phiên giải trình của 2 Bộ Công Thương - Tài chính

Cường Ngô LDO | 24/02/2023 10:00

Đã có nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mời tham dự phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Họ kỳ vọng phiên giải trình sẽ làm sáng tỏ những bất ổn về thị trường trong thời gian qua.

2 bộ giải trình, doanh nghiệp chờ sáng tỏ

Ngày 22.2, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản yêu cầu liên Bộ Công Thương - Tài chính giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, được tổ chức ngày 28.2 tới đây, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cùng các lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo nguồn tin của Lao Động, hiện đã có nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước được Uỷ ban Kinh tế mời tham dự phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu trong thời gian qua. 

Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Đồng Nai cho biết - rất kỳ vọng phiên giải trình sẽ làm sáng tỏ những bất ổn về thị trường xăng dầu trong thời gian qua.

Những bất ổn đó liên quan đến vấn đề chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ; chi phí định mức trong công thức tính giá xăng dầu; hiệu quả của Quỹ bình ổn xăng dầu và sự minh bạch trong điều hành thị trường xăng dầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua có nhiều bất ổn. Ảnh: Cường Ngô 

Cũng theo doanh nghiệp này, tại hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đề nghị cần quy định chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6%/giá bán lẻ. 

Có bộ khi góp ý sửa đổi dự thảo Nghị định 95 cũng đề nghị nên có quy định này để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nhưng cũng có bộ khi góp ý lại cho rằng không nên quy định như vậy để việc điều chỉnh được linh hoạt hơn. Cho nên, tại phiên giải trình, các Bộ Công Thương - Tài chính cần giải trình và nêu rõ quan điểm của mình về nội dung này. 

Doanh nghiệp bán lẻ phải được đối xử công bằng

Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác cũng cho biết, vừa nhận được giấy mời tham dự phiên giải trình của Uỷ ban Kinh tế cho rằng, liên Bộ Công Thương - Tài chính, Ban soạn thảo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự "phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp".

"Số lỗ mà chúng tôi ước tính của các doanh nghiệp bán lẻ giai đoạn cao điểm là 900 tỉ đồng/tháng. Tính từ tháng 3.2022 đến nay, ước số lỗ của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thể lên đến 3.000 - 4.000 tỉ đồng.

Nếu tình trạng này kéo dài, các đơn vị bán lẻ có thể buộc phải xin rút giấy phép, ngừng kinh doanh. Như vậy, chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy, ảnh hưởng tới nền kinh tế, người tiêu dùng và an ninh năng lượng.

Cho nên nhà nước cần công nhận sự tồn tại, quyền sở hữu tài sản... của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi sửa đổi Nghị định 95. Chúng tôi muốn được đối xử công bằng", doanh nghiệp này cho biết.

Năm 2022 là năm đầu tiên bắt đầu giảm chu kỳ điều hành giá xăng từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên của năm âm lịch 2022 lại trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Do đó, kỳ điều hành giá ngày 1.2.2022 được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo là ngày 11.2.2022.

Ngay sau khi lùi thời điểm tăng giá xăng dầu, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi tăng giá vào kỳ điều hành ngày 11.2.2022, nguồn cung vẫn chưa trở lại bình thường.

Sau giai đoạn này, đến giữa năm, việc cung ứng xăng dầu vẫn chưa thể hồi phục nguyên trạng trước sự cố. Tại thị trường phía Nam, nguồn cung xăng dầu được đánh giá là cực kỳ căng thẳng.

Nhiều cây xăng không chịu nổi thua lỗ đã phải tạm đóng cửa. Chi phí trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu không theo kịp thực tế khiến doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh khó khăn… Trong khi đó, hai Bộ Công Thương - Tài chính thường xuyên có những thông tin như không có hồi kết về lý do nguồn cung đứt đoạn.

Thị trường dần ổn định hơn vào những tháng cuối năm 2022, khi Thủ tướng Chính phủ vào cuộc liên tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, thời điểm Tết Nguyên đán 2023, khi phải lùi kỳ điều hành, những bất ổn lại lặp lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn