MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ khó có đột biến trong quý cuối năm khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp khá thấp. Ảnh: Quang Duy

Doanh nghiệp ngại vay khiến tăng trưởng tín dụng khó có đột biến

Gia Miêu LDO | 13/10/2020 14:27

Tình hình tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khả quan vào cuối quý 3 vừa qua, tuy nhiên khả năng nhu cầu tín dụng tăng vọt vào những tháng cuối năm là rất thấp.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trong quý 3 vừa qua. Tính đến tháng 9, tín dụng đã tăng 6,1%.

Vào ngày cuối quý 3, NHNN đã có thêm 1 lần cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%. Như vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, nhằm giúp nền kinh tế đối phó với những khó khăn do COVID-19, NHNN đã tổng cộng 3 lần cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng) với tổng mức cắt giảm là 1%.

Theo CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá hiệu quả thực tế của những lần cắt giảm lãi suất điều hành trong việc kích thích tổng cầu càng về sau càng giảm. Các chuyên gia của BVSC đưa ra dự báo tín dụng trong quý IV sẽ tăng tốc mạnh hơn so với 3 quý đầu năm do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp quanh mức 10%.

Trong khi đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra nhận định, khả năng nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm vẫn ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp quyết định tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới chưa được kiểm soát. Theo đó, dự báo tín dụng cả năm 2020 sẽ tăng khoảng 8-9% so với năm 2019. Theo phân tích của CTCK VNDirect, với con số tăng trưởng tín dụng 6,09% của 9 tháng đầu năm, để đạt mức tăng 8-10% như kỳ vọng của Chính phủ thì vẫn còn cách khá xa. Trừ trường hợp Chính phủ mạnh tay đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông, ép lãi suất hạ, nới room tín dụng. Nhưng làm thế sẽ đẩy lạm phát lên rất cao, nguy cơ nợ xấu luôn tiềm ẩn. Vì vậy, không nên quá kỳ vọng vào sự đột biến của tăng trưởng tín dụng năm 2020.

Về phía doanh nghiệp, một cuộc khảo sát nhỏ với quy mô hơn 100 doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM mới đây cho thấy số doanh nghiệp khó khăn và rất khó khăn chiếm 84% trong số được khảo sát. Nguyên nhân khó khăn, chủ yếu là do thiếu vốn; khó khăn do đứt gãy các chuỗi cung ứng và bị thu hẹp thị trường. Việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho biết, chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước. Chỉ có rất ít doanh nghiệp đã tiếp cận ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay. Đặc biệt, chưa có doanh nghiệp nào vay được gói lãi suất 0% để trả lương người lao động vì thủ tục để vay được gói này còn khó hơn vay bình thường. Ngân hàng chủ yếu cho vay khách hàng quen, còn khách hàng mới rất ít.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài, rất nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều cho biết đang cố xoay xở để nuôi bộ máy, trả lãi cho các khoản vay trước đó chứ chưa tính đến việc vay mới. Do đó, các gói hỗ trợ cho vay mới với lãi suất thấp được nhiều ngân hàng tung ra thời gian qua không có nhiều tác dụng vì mức lãi suất vay theo như kỳ vọng từ phía các doanh nghiệp vẫn chưa được các ngân hàng dễ dàng đáp ứng. Điều này sẽ khiến cho tăng trưởng tín dụng khó mà tăng mạnh vào quý cuối năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn