MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp ngành du lịch rất cần nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ cho việc phục hồi hoạt động. Ảnh: CTV

Doanh nghiệp ngành du lịch mong được hỗ trợ vốn

Gia Miêu LDO | 26/12/2021 11:52

Nhiều doanh nghiệp ngành du lịch đang thật sự cần gói hỗ trợ vốn ưu đãi để có thể phục hồi hoạt động khi du lịch mở cửa trở lại. 

Ngành du lịch đã rất khó khăn sau gần 2 năm đương đầu với COVID-19 là chuyện ai cũng biết. Nhưng với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì khó đến nỗi phải bán tài sản nhưng không có người chịu mua hay đi vay để cầm cự là chuyện ít người biết.

Anh Vũ là giám đốc của một công ty chuyên thiết kế tour du lịch cho gia đình hay công ty ở quy mô tầm trung tại TPHCM cho biết, khi dịch bệnh xảy ra anh và các nhân viên cố gắng duy trì hoạt động bằng nhiều cách khác nhau thậm chí là cầm cố nhà vay tiền ngân hàng để có vốn nhập hàng bán online cầm cự qua ngày và giữ chân nhân viên. Cái khó của công ty là vì đã đầu tư mua một số xe để làm lữ hành, nhưng xe thì "đắp chiếu" 2 năm qua, bán không ai mua, nhưng vẫn phải gồng trả nợ vay. Thậm chí lúc khó khăn anh đã phải vay mượn tiền nóng để chi trả. Rất may việc kinh doanh bán hàng online đang giúp công ty có nguồn thu ít ỏi để duy trì.

Cũng vì chi phí duy trì quá lớn, nên dù được đánh giá là một trong những sản phẩm giải trí về đêm hấp dẫn nhất của Phú Quốc United Center, nhưng Tổ hợp Chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 của Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn vẫn chưa thể mở lại cùng nhịp. 

Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, nhận định với số lượng 200 khách lọt thỏm như vậy, mở ra rồi gánh chi phí còn khốn khổ hơn. Công ty đã khảo sát 500 tiểu thương ở Phú Quốc tại 2 khu chợ đêm, nhưng chỉ có khoảng 10% tiểu thương muốn mở lại.

"Chúng tôi tha thiết kỳ vọng cơ quan quản lý làm càng sớm càng tốt, mở cửa du lịch đúng nghĩa. Khó ở đâu, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó. Mở cửa, hoặc là chết”, ông Sơn cho biết. 

Nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Trong trường hợp tiếp cận được, các gói đó cũng không đủ sức để vực doanh nghiệp đứng lên. Có thể nói, các công ty du lịch vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt chi phí như trả lương cho người lao động, trả lãi vay nợ, thuê mặt bằng, tiền điện, nước, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước.

Theo phản ánh Sở Du lịch TPHCM: Trong Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 không hề có nội dung hỗ trợ cụ thể, thiết thực dành riêng cho các công ty du lịch lưu trú, lữ hành. Do đó, Sở Du lịch TPHCM đề xuất cần có chính sách hỗ trợ dành riêng cho các công ty du lịch, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% để có chi phí phục hồi và trả lương cho người lao động. Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng cho doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Cùng đó, giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép công ty du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất, giảm chi phí môi trường nhằm tạo điều kiện cho họ phục hồi kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn