MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp ngoại mong phê duyệt Quy hoạch điện VIII càng sớm càng tốt

Cường Ngô LDO | 06/05/2023 06:15

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản JCCI cho rằng, cần phê duyệt Quy hoạch điện VIII càng sớm càng tốt. Bởi, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Việt Nam trong thời gian tới.

Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển điện mặt trời

Tại Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan lập Quy hoạch điện VIII.

Đây là quy hoạch ngành rất quan trọng, phải đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá thành hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), việc hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII càng trở nên thách thức và cần thêm nhiều thời gian để rà soát, đưa ra những điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và khí hậu.

Ông Đặng Hoàng An - Thứ Trưởng Bộ Công Thương - đã chủ trì Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: MOIT

Tại hội nghị, bà Melissa Bishop - đại biện lâm thời, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam - cho hay, Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong việc dừng có lộ trình giảm phát thải các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là không phát triển khoảng 6 GW dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VIII.

Ngoài ra, Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam trong chính sách phát triển không giới hạn công suất điện mặt trời áp mái để giảm áp lực cho đường dây truyền tải.

"Quy hoạch điện VIII là một quy hoạch mở và linh hoạt bằng cách cho phép tập trung vào giảm phát thải, thay vì tập trung vào chuyển đổi nhiên liệu. Hoa Kỳ khuyến nghị phát triển các dự án năng lượng mặt trời của Việt Nam rất quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu giảm phát thải; các dự án này cần được ưu tiên cao hơn và không được trì hoãn cho đến năm 2030" - bà Melissa Bishop cho hay.

Theo bà, Melissa Bishop, các chính sách tạo điều kiện cho khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực truyền tải là cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu về năng lượng tái tạo của Việt Nam. Đường truyền liên tỉnh được ưu tiên hàng đầu.

Một mốc thời gian nhanh hơn cho các đường dây truyền tải dòng điện một chiều điện áp cao sẽ rất quan trọng để khuyến khích toàn bộ tiềm năng của gió ngoài khơi. Xuất khẩu điện gió ngoài khơi là cơ hội tốt để phát triển ngành công nghiệp tại Việt Nam, trong đó tiêu thụ điện gió ngoài khơi trong nước sẽ tối đa hóa giá trị.

Đồng quan điểm, ông Santiago Alfonso - Trưởng bộ phận hợp tác kinh tế, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam - cho hay, phía Đức ủng hộ các nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc xây dựng Quy hoạch điện VIII. Phía Đức đề xuất Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa phát triển điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp.

Ngoài ra, Đức đề xuất nên tận dụng khuôn khổ sẵn có của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) để hỗ trợ, lồng ghép các hoạt động của JETP. Hiện tại, Nhóm công tác về Điện gió ngoài khơi trong khuôn khổ Nhóm Công tác số 2 về Năng lượng tái tạo đang được triển khai tốt.

Phê duyệt Quy hoạch điện VIII càng sớm càng tốt

Tại hội nghị, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản JCCI cho rằng, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Việt Nam trong thời gian tới. Để giảm bớt những lo ngại từ ngành, điều cần thiết là phê duyệt Quy hoạch điện VIII càng sớm càng tốt, đảm bảo các khoản đầu tư vào sản xuất điện phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, các công ty Nhật Bản đã tăng cường các dự án đầu tư vào Việt Nam do nhu cầu phát điện tái tạo ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII đã ảnh hưởng không chỉ đến các nhà máy điện tái tạo mà còn đến các ngành liên kết như sản xuất nhiên liệu sinh khối vốn đã bị tạm dừng" - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản JCCI cho hay.

* "Nhu cầu về nguồn vốn của Việt Nam cho phát triển nguồn và lưới điện là rất lớn. Vấn đề truyền tải điện cần đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, thương mại và an toàn.

Ngân hàng thế giới đề xuất Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư trong nước và quốc tế để có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay" - bà Chiaria Odetta Rogate, chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB), nói.

* "Chúng tôi đang chuẩn bị gói tài chính cho Việt Nam. Hiện tại, AFD đang triển khai chương trình hợp tác kỹ thuật với EVN với gói tài chính xấp xỉ 1 triệu USD. AFD cùng với JBIC đang tham gia dự án Thuỷ điện tích năng Bắc Ái công suất 1200 MW. Đây được xem là dự án quan trọng nhằm giúp Việt Nam hấp thụ các nguồn năng lượng tái tạo tốt hơn" - đại diện Ngân hàng Phát triển Pháp AFD cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn