MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh xu hướng phát triển bền vững là tất yếu trên toàn thế giới. Ảnh: Quốc Tuấn

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng cần chiến lược phát triển bền vững

Vũ Long LDO | 10/12/2020 13:21

TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: Phát triển bền vững phải là điều quyết định sống còn đối với mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô.

Sáng 10.12, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020 với chủ đề: "Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh:

Mặc dù chúng ta còn khoảng cách khá xa so với thế giới về công nghệ, về quản trị, về vốn liếng, nhưng chúng ta có thể đi đầu, đi tiên phong trong những nỗ lực đề cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với quá trình phát triển.

Do đó, VCCI sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số về phát triển bền vững CSI theo 3 cấp độ A, B, C hay 1, 2, 3 để vừa tầm, vừa sức với trình độ phát triển của các loại hình doanh nghiệp và đặc biệt là có thể hướng tới áp dụng trong cả khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và cả doanh nghiệp siêu nhỏ.

“Không thể coi phát triển bền vững chỉ là việc của các doanh nghiệp lớn, không phải phát triển bền vững là "phú quý sinh lễ nghĩa" mà phát triển bền vững phải là điều quyết định sống còn đối với mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô” – TS Vũ Tiến Lộc nói.

Theo đó, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần có biện pháp thúc đẩy hộ kinh doanh, có khung khổ pháp lý và có chính sách chứ không để hộ kinh doanh ra khỏi phạm vi áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ ở nước ta.

Phát triển bền vững cũng là nhiệm vụ và quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Vũ Long

Song song với việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể “tự lớn” và phát triển bền vững, VCCI cũng đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích và từng bước thể chế hoá yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn lập báo cáo bền vững.

“Khi việc lập báo cáo bền vững trở thành yêu cầu bắt buộc thì song hành với nó phải có hệ thống giám sát thực thi có hiệu quả. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo hướng đi này thì xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn hoá và thống nhất của Nhà nước về phát triển bền vững là rất quan trọng để việc cập nhật báo cáo không trở thành gánh nặng với các doanh nghiệp” – TS Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến, đồng thời đề nghị:

Các hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp với VCCI triển khai chương trình hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững trong doanh nghiệp hội viên của mình.

Doanh nghiệp tự chủ trong phát triển bền vững

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, các hiệp hội doanh nghiệp cũng như các bộ, ban, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững và xây dựng báo cáo phát triển bền vững, tiến tới xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Về phía mình, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững như một vấn đề chiến lược và quản trị nền tảng, áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững một cách phổ cập, tiến tới xây dựng được báo cáo bền vững là hướng đi rất quan trọng đối với các doanh nghiệp.

“Đã đến lúc các doanh nghiệp phải quan tâm bố trí ngân sách, nhân sự cho công tác quản trị rủi ro, cho phát triển bền vững, lồng ghép được các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chương trình sản xuất kinh doanh, thực hiện quản trị tích hợp, tích hợp chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược doanh nghiệp...

Chúng ta không thể có chiến lược phát triển trong bối cảnh mới nếu thiếu đi nội hàm phát triển bền vững trong chiến lược này” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn