MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ để phát triển,v ượt qua "cú sốc" dịch COVID-19. Ảnh: Vũ Long

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp lớn cho nền kinh tế

Vũ Long LDO | 18/03/2022 09:57

Đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho nền kinh tế đất nước là rất lớn, cần hỗ trợ để loại hình doanh nghiệp này phát triển.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là “thanh giảm sốc” cho nền kinh tế

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN SME) chiếm trên 98%. Những năm qua, khu vực doanh nghiệp SME đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế của các địa phương, sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Trao đổi với PV Lao Động, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội (HANOISME) - Viện trưởng Viện kinh tế và Phát triển doanh nghiệp - ông Mạc Quốc Anh cho biết:

Trong những năm gần đây và bối cảnh khó khăn hiện nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi hết sức căn bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp SME) phát triển. Đến nay, doanh nghiệp SME chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước.

"Sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô hoạt động và cả về nội lực của khu vực doanh nghiệp SME có tác động to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ảnh: Vũ Long

Hàng năm, các doanh nghiệp SME đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam cũng nhấn mạnh, ở phần lớn các nền kinh tế, các doanh nghiệp SME là những nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì thế, doanh nghiệp SME được ví là “thanh giảm sốc”, giữ ổn định cho nền kinh tế đất nước.

Hỗ trợ để doanh nghiệp quy mô “li ti” lớn mạnh

Mặc dù đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp SME, nhưng ông Mạc Quốc Anh cũng thẳng thắn thừa nhận: Số lượng doanh nghiệp SME đông đảo, song quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ rất lớn, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% trong tổng số doanh nghiệp SME.

“Chính bởi quy mô nhỏ, nên hoạt động của khu vực doanh nghiệp này đang gặp  nhiều khó khăn, như là khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành; khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ngay trên thị trường nội địa” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Chủ tịch JCI Việt Nam Vũ Tuấn Anh cũng nêu rõ: Trong hai năm qua dịch bệnh do COVID-19 gây ra đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SME. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: Du lịch, dịch vụ, vận tải, các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. Thống kê trong năm 2021 có hơn 100.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể.

"Trong giai đoạn tới, việc doanh nghiệp SME được nhận thêm những chính sách ưu đãi của Chính phủ như: Đưa ra các gói hỗ trợ tài chính có lãi suất ưu đãi, nới lỏng các thủ tục hành chính, thiết kế các giải pháp bền vững, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có những sân chơi kết nối quốc tế và tiến tới kiểm soát được dịch bệnh và tiến tới mở cửa hoàn toàn thì sẽ là một động lực thúc đẩy cho họ có cơ hội được hồi phục sớm hơn và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà" - ông Vũ Tuấn Anh nêu ý kiến.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề cấp bách để các doanh nghiệp SME lớn mạnh.

"Chính sách linh hoạt, nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp SME khôi phục hoạt động, vượt qua khó khăn là rất cần thiết hiện nay. Trong đó, chính sách hỗ trợ ứng dụng các nền tảng chuyển đổi số nhằm kinh doanh hiệu quả hơn đóng vai trò quan trọng" - ông Mạc Quốc Anh nói.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điều quan trọng là phải nhận định đúng thực chất của doanh nghiệp mới có thể đề xuất thiết kế các chính sách đúng và triển khai các chính sách có hiệu quả. Đặc biệt, để tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp SME đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế số.

"Đây chính là yếu tố mang lại sự thay đổi nhiều nhất đối với chất lượng doanh nghiệp" - ông Nguyễn Hoa Cương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn