MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp bán lẻ tại TPHCM nỗ lực bình ổn giá hàng hoá. Ảnh: Ngọc Lê

Doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá để duy trì sức mua trên thị trường

NGỌC LÊ LDO | 13/11/2023 08:51

Hiện nay giá xăng dầu, điện, nguyên vật liệu tăng cao… đã tạo ra nhiều áp lực trong hoạt động kinh doanh. Trước vấn đề này, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM vẫn nỗ lực bình ổn giá để duy trì sức mua trên thị trường từ nay đến cuối năm.

Phối hợp với nhà cung cấp điều tiết giá bán hợp lý

Trong thời điểm này, mặc dù thị trường còn biến động nhưng đại diện Công ty MM Mega Market cho biết, năm nay tổng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết của doanh nghiệp tăng 20%-30%. Đơn vị cũng liên tục làm việc với nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất. Đồng thời, nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023, MM áp dụng hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10%-30% diễn ra xuyên suốt từ nay đến Tết.

Phía các doanh nghiệp bán lẻ khác cũng dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm do giá điện, xăng dầu tăng cao. Do đó, bên cạnh làm việc với nhà cung cấp từ giữa năm để có phương án chuẩn bị nguồn hàng và mức giá hợp lý cho người tiêu dùng thì các đơn vị cũng chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ, mang tính ứng dụng cao để phục vụ người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, thị trường bán lẻ dự báo vẫn tiếp tục khó khăn. “Doanh nghiệp linh động phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm chi phí tối đa và giảm lợi nhuận để mang lại giá cả hợp lý trong dịp Tết. Đồng thời, siêu thị triển khai chương trình Tết Nguyên đán 2024 với nhiều ưu đãi để người tiêu dùng có được mùa Tết trọn vẹn” - ông Nguyễn Ngọc Thắng cho hay.

Thành phố sẵn sàng giải pháp bình ổn giá

Dự báo mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho thấy, thị trường Tết 2024, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu ào ạt mà sẽ mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm Tết.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - cho biết, hiện sức mua chưa có sự đột biến, doanh nghiệp chỉ dự trữ lượng hàng Tết tăng khoảng 15-20% so với bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường.

Về phía Sở Công Thương TPHCM, đơn vị dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11 - 13% so với Tết Quý Mão 2023. Sức mua sẽ tập trung vào nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo, nước giải khát, quần áo, giày dép, đồ dùng...

Theo đó, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường. Bình quân mỗi tháng, lượng hàng dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm…

Ông Nguyễn Phương Duy - đại diện Sở Công Thương TPHCM - cho biết, hiện nay diễn biến giá xăng dầu, điện, tỉ giá, giá nguyên vật liệu đã tạo áp lực lớn đến hoạt động sản xuất trong nước, hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm thiết yếu cuối năm và Tết Nguyên đán.

“Các doanh nghiệp sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm hàng hóa” - đại diện Sở Công Thương TPHCM nói.

Từ nay tới cuối năm 2023 và Tết 2024, Sở Công Thương TPHCM đã tham mưu UBND thành phố một số giải pháp, chú trọng về giá cả hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tăng lượng hàng bình ổn thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn