MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chuyến khảo sát doanh nghiệp của chính quyền Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Thi

Doanh nghiệp nộp chục tỉ đồng tiền đất mỗi năm nhưng dự án vẫn tắc

Thùy Trang LDO | 15/01/2024 07:50

Tại hội nghị gặp mặt nhà đầu tư các dự án động lực của TP Đà Nẵng năm 2024 được tổ chức đầu tháng 1 vừa qua, các doanh nghiệp đã nêu rõ những vướng mắc khiến dự án không thể triển khai. Có doanh nghiệp nộp tiền thuê đất cả chục tỉ đồng mỗi năm, có sẵn vốn nhưng bị vướng thủ tục, quy hoạch, phải chờ.

Nhà đầu tư sốt ruột, có vốn nhưng không triển khai được dự án

Ông Huỳnh Văn Tân, nhà đầu tư 2 dự án bệnh viện tại thành phố nêu rõ, hiện nay vốn của doanh nghiệp để đầu tư 2 dự án đã có sẵn nhưng không làm được, các ngân hàng cứ hối thúc giải ngân nhưng thủ tục dự án bị ách tắc, không thể triển khai.

Cụ thể, một dự án bệnh viện quốc tế đã 2 năm nay, nhà đầu tư trả tiền thuê đất mỗi năm 11 tỉ đồng nhưng đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. “Nguyên nhân là do dự án bị xét vào diện chậm đầu tư nhưng thực tế doanh nghiệp không được hoàn thiện thủ tục, nên không thể đầu tư được, hồ sơ cứ được chúng tôi đưa đi, đưa về suốt 2 năm qua, rất sốt ruột” - ông Tân cho hay.

Dự án thứ 2 ban đầu được đấu giá để xây dựng Bệnh viện Răng Hàm Mặt, doanh nghiệp đã đưa ra mức đấu giá cao hơn 5 lần so với các đơn vị còn lại. Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp muốn xin điều chỉnh quy hoạch (xây dựng bệnh viện nội tiết) nhưng thành phố vẫn chưa có câu trả lời. Trong khi tiền thuê đất mỗi năm là 4,5 tỉ đồng doanh nghiệp vẫn đang đóng.

“Nếu không được thì thành phố trả lời không được để chúng tôi tính toán trả lại đất, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư. Nếu được điều chỉnh thì thành phố cho phép ngay, chúng tôi bắt tay vào làm luôn. Các dự án này để xây dựng mất phải 8 năm chứ không xong liền được mà để nhà đầu tư đợi thế này thì không biết đến bao giờ” - ông Tân trao đổi.

Không chỉ vướng mắc về thủ tục, có doanh nghiệp cũng đang vướng vì quy hoạch.

Bà Trần Thị Kim Anh - đại diện Công ty CP Đầu tư Mia - cho biết, đơn vị nhận chứng nhận đầu tư từ tháng 5.2023 và hiện đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp còn đang phải chờ quy hoạch phân khu để đảm bảo thủ tục pháp lý mới triển khai dự án được.

Chủ tịch thành phố trực tiếp theo dõi, xử lý vướng mắc các dự án động lực

Ông Phạm Nam Sơn - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng - cho biết, với dự án bệnh viện quốc tế, việc chưa thể hoàn thiện thủ tục là do hồ sơ doanh nghiệp và dự án đang được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra pháp lý. Sau khi có kết luận của Kiểm toán, sở mới hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục theo quy định.

Về dự án Bệnh viện Răng Hàm Mặt ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng ông Nam cũng xác nhận, trước đây đấu giá đã có phương án xây dựng 3 tầng và chuyên môn là răng hàm mặt.

Sau khi có kết quả đấu giá xong thì gần khu vực này có thêm bệnh viện nha khoa nên doanh nghiệp muốn chuyển đổi thành bệnh viện nội tiết, điều chỉnh quy hoạch từ 3 tầng lên 13 tầng.

Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo sở chủ động lấy ý kiến Cục Quy hoạch liên quan đến điều chỉnh thì dự án chỉ được điều chỉnh quy hoạch sau đấu giá đối với hình thức trả tiền một lần. Dự án của ông Tân hiện đang là trả tiền hằng năm thì quy định điều chỉnh hiện chưa có. Sở sẽ có báo cáo nêu rõ theo phương án đấu giá hay hủy kết quả đấu giá, tổ chức đấu giá lại theo đề xuất của nhà đầu tư.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nhấn mạnh, mọi khó khăn của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ trên cơ sở lợi ích hài hòa và các bên cùng ngồi lại với nhau để bàn cách giải quyết. Doanh nghiệp trên những cơ sở thủ tục hồ sơ đã có, tập trung sớm thực hiện dự án trên thực tế. Trong quá trình triển khai có khó khăn vướng mắc gì gửi văn bản trực tiếp về Sở Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời tháo gỡ.

“Tôi sẽ trực tiếp xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp. Thành phố sẽ có quy định rất cụ thể hướng dẫn xử lý các ý kiến của doanh nghiệp, phân công và theo dõi tiến độ các dự án động lực. Các sở khẩn trương xử lý các kiến nghị tại hội nghị, cái gì đã từng tháo gỡ rồi thì cứ vậy mà hỗ trợ doanh nghiệp, không cần xin ý kiến lại. Vấn đề vượt thẩm quyền thì sở ngành phải tham mưu và làm gì cũng làm cho chắc, an toàn cho cả doanh nghiệp và chính quyền” - ông Chinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn