MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp ở Đắk Nông mong được trợ lực để vượt qua khó khăn

Phan Tuấn LDO | 24/08/2021 18:42

Do dịch COVID-19 nên chi phí sản xuất tăng cao, thậm chí phải đóng cửa hoạt động đã khiến cho nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Nông gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp mong muốn được vay vốn, cơ cấu lại nợ hoặc giảm nợ… để cầm cự, phục hồi lại sản xuất.

Do dịch bệnh COVID-19 nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều Hồng Đức đang gặp nhiều khó khăn (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: Phan Tuấn

Khó khăn bủa vây

Công ty TNHH Hồng Đức, ở huyện Đắk R’lấp là doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Những năm trước, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 5.000 tấn hạt điều đi Trung Quốc và các nước châu Âu. 

Từ khi đợt dịch COVID-19  thứ 4 bùng phát, công ty đã gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức cho biết, khi Đắk Nông xuất hiện các ca mắc COVID-19, doanh nghiệp đã chia 150 lao động luân phiên thành 3 ca sản xuất nhằm giảm việc tập trung đông người tại nhà máy. Ngoài ra, cách làm này cũng là để đề phòng nếu ca này có người mắc COVID-19 thì còn có ca  khác làm việc.

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đã đầu tư thêm nhà ở, trang thiết bị... để thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Bên cạnh việc khó khăn trong bố trí nhân công lao động thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Bà Nguyệt cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của công ty không giảm. Thế nhưng, công ty không nhập được các mặt hàng phụ trợ như bao bì, thùng thiếc… từ các tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh về đóng gói, xuất khẩu sản phẩm.

Theo bà Nguyệt, việc vận chuyển hàng hóa xuống thành phố Hồ Chí Minh cũng bị chậm lại và chi phí cũng gia tăng. Trước đây, chỉ cần 1 tuần triển khai các thủ tục là hàng hóa có thể thông quan. Thế nhưng, hiện nay, các thủ tục này đã kéo dài thời gian lên đến 1 tháng. Chi phí cho các chuỗi cung ứng từ sản xuất cho đến xuất khẩu đều tăng đã làm giảm nguồn thu nhập của công ty.

Tương tự, dịch bệnh cũng tác động mạnh tới ngành vận tải hành khách. Từ đầu năm 2021 tới nay, doanh thu của Công ty taxi Mai Linh, Chi nhánh Đắk Nông giảm từ 40 - 60%. Doanh thu sụt giảm nhưng chi phí về tiền thuê nhà, tiền thuế, bảo hiểm cho người lao động, phí kiểm định… đơn vị vẫn phải trả đều hàng tháng. Hiện công ty đang nợ lương người lao động làm việc tại văn phòng từ tháng 7 tới nay.

Trong lĩnh vực dịch vụ giải trí, Khu du lịch sinh thái Phước Sơn, ở huyện Đắk R’lấp đã bỏ ra cả trăm tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất. Trong số này, công ty đã vay ngân hàng 11 tỉ đồng. Tuy nhiên,  từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động du lịch của công ty khá èo uột do tâm lý người dân không muốn tụ tập đông người. Đến đợt dịch thứ 4 này, hoạt động du lịch của công ty đã bị “đóng băng” hoàn toàn.  

Cần sự hỗ trợ

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhau nhưng đang gặp phải muôn vàn khó khăn. Do đó, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng, Nhà nước để cầm cự, từng bước ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn.

Ông Lê Văn Việt, quyền Giám đốc Công ty Mai Linh, chi nhánh Đắk Nông cho hay: “Chúng tôi đã lập hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để trả lương cho người lao động. Chúng tôi mong muốn sớm được tiếp cận nguồn vốn này để từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh”.  

Còn ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Phước Sơn chia sẻ, dịch bệnh khiến cho đơn vị phải đóng cửa, hoàn toàn không có nguồn thu từ hoạt động du lịch. Thế nhưng, hàng tháng, chi phí về nhân công, dọn dẹp chăm sóc cảnh quan khu du lịch, lãi suất tiền vay… đơn vị vẫn phải  “gồng mình” trang trải. Chúng tôi rất mong muốn được cơ cấu lại nợ hoặc hạ lãi suất để tồn tại, vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.

Đối với vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức cho biết, để duy trì hoạt động sản xuất cho cả năm, đơn vị phải nhập kho hơn 10.000 tấn điều với giá trị hơn 300 tỉ đồng. Trong số này, doanh nghiệp phải vay ngân hàng khoảng 100 tỉ đồng.

“Nguồn hàng xuất khẩu giảm do thiếu nguyên liệu phụ trợ, thủ tục thông quan chậm hơn. Tuy nhiên, đơn vị vẫn phải duy trì sản xuất chứ không thì hàng hóa sẽ bị hư hỏng, hao tổn. Những khó khăn này ảnh hưởng khá nhiều tới nguồn thu của doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong được ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”- bà Nguyệt chia sẻ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm tới cuối tháng 7.2021, toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp giải thể và 109 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Có nhiều nguyên nhân khiến số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể như: thị trường tiêu thụ giảm, thiếu hụt nguyên liệu, thiếu nguồn vốn sản xuất, kinh doanh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn