MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp vẫn áp dụng kinh doanh truyền thống dễ bị bật khỏi thị trường. Ảnh minh họa: CN

Doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu người dùng

Cao Nguyên LDO | 11/05/2021 10:00

Thị phần thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng nhanh dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu, đặc biệt, trong thời điểm COVID-19. Trong môi trường cạnh tranh và để đảm bảo an toàn chống dịch, những cửa hàng, công ty, doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo mà vẫn chọn phương thức kinh doanh truyền thống sẽ có nguy cơ sụp đổ.

Thay đổi theo thị hiếu người dùng

Đại dịch COVID-19 vẫn đang càn quét và chưa có dấu hiệu dừng lại, gây tác động mạnh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng như nền kinh tế toàn cầu. Không những thế, khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao thì yêu cầu về quy trình sản xuất, thành phần sản phẩm, chất lượng hàng hóa cũng phải được nâng cao theo. Hơn thế nữa, các yếu tố về khuyến mãi, tiện ích, hình thức giao hàng... cũng được người tiêu dùng so sánh để lựa chọn sản phẩm, nhất là các sản phẩm, hàng hóa giá rẻ, thực phẩm, đồ uống đóng gói, sản phẩm thời trang...

Chị Bùi Thị Lan Phương - nhân viên văn phòng (ở phường Kim Mã, Hà Nội) - chia sẻ, thời gian gần đây, ngoài việc nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều nhãn hàng thời trang Việt đã có nhiều thay đổi từ thiết kế, sản xuất, phân phối đến marketing, chế độ khuyến mãi, hậu mãi... nhất là ở phân khúc thời trang nhanh với mức giá tầm trung từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng mỗi sản phẩm.

Theo quản lý chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh trên đường Trần Duy Hưng (TP.Hà Nội), thời gian gần đây, chuỗi cửa hàng có thêm các hoạt động quảng bá, các kênh kết nối để thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, nắm bắt xu hướng đặt hàng trực tuyến sau những tác động của dịch COVID-19, chuỗi cửa hàng còn kết hợp với một số ứng dụng giao hàng triển khai các đợt freeship (miễn phí vận chuyển) đối với nhiều sản phẩm, đơn hàng để tăng sự tương tác, tiện ích dành cho khách hàng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với Lao Động rằng, trong giai đoạn “bình thường mới”, thị trường nội địa sẽ tạo ra nhiều tiềm năng để hàng Việt nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định thế mạnh, thương hiệu, trong đó có các nhóm sản phẩm thiết yếu, sản phẩm tiêu dùng nhanh... Doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp ở địa phương nói riêng cần thường xuyên nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã, thường xuyên kết nối, cập nhật thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như những tiện ích, công nghệ mới để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

Hiện nay, khi công nghệ phát triển, người tiêu dùng, nhất là lớp tiêu dùng trẻ ngày càng đòi hỏi nhiều tiện ích hơn dựa vào những thói quen, trải nghiệm mua sắm... chứ không đơn thuần chỉ là chất lượng sản phẩm. Do vậy, các nhà cung cấp, phân phối hàng tiêu dùng nhanh hiện nay phải đáp ứng sự tiện lợi, nhanh chóng thông qua các thiết bị thông minh, công nghệ mới để bán hàng, thanh toán, kết nối với khách hàng... nhằm giữ chân và thu hút thêm nhiều khách hàng khác.

Áp dụng công nghệ để phát triển bền vững

Trên thực tế, khi bị ảnh hưởng của COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi và áp dụng công nghệ để kinh doanh. Trong đó, hoạt động của ngân hàng chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19, các giao dịch trực tiếp với khách hàng bị gián đoạn, số lượng giao dịch giảm, khiến doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn.

Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ như: Làm việc từ xa, gặp khách hàng từ xa. Nhiều khách hàng phản hồi tích cực về tiện ích của ứng dụng vì công việc vẫn đạt hiệu quả, trong khi giảm được chi phí đi lại và tiết kiệm thời gian. Các ngân hàng cũng thúc đẩy triển khai ứng dụng ngân hàng trực tuyến (online banking), giúp người dùng sử dụng được các sản phẩm của ngân hàng từ xa.

Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hoạt động hiệu quả ở tất cả các khâu. Môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, những doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo mà vẫn chọn phương thức kinh doanh truyền thống sẽ có nguy cơ rời khỏi thị trường.

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Đại Nghĩa - GĐ Cty CP Đầu tư Aloe Food Factory - cho rằng, trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp thì ứng dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình quản trị, thay đổi mô hình kinh doanh và quan trọng hơn còn là sáng tạo công nghệ. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất trong thời điểm này có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự dẫn dắt của người đứng đầu. Vậy nên, các nhà lãnh đạo cần có khát khao, có quyết tâm và đủ năng lực.

Theo ông Nghĩa, áp dụng công nghệ trở thành yêu cầu tất yếu với doanh nghiệp không chỉ để ứng phó linh hoạt với biến động nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, mà còn là giải pháp cho bài toán phát triển bền vững về sau.

Cũng phân tích về vai trò của ứng dụng công nghệ đối với doanh nghiệp trong thời kỳ hiện nay, TS Nguyễn Ngọc Tú (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết, bán hàng được thông qua các nền tảng số, kể cả trong sản xuất, doanh nghiệp cũng đã áp dụng ứng dụng công nghệ, phân tích, đánh giá từng quy trình để mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, hiện nay, nhu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa ngày càng tăng, mà việc này chỉ có thể được thực hiện một cách hiệu quả nhờ công nghệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn