MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(nguồn: atpsoftware.vn).

Doanh nghiệp “rũ bỏ" quảng cáo gắn với nội dung độc hại

Thế Lâm LDO | 14/06/2019 17:17
21 thương hiệu và nhãn hàng đã được Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) phát công văn đến yêu cầu dừng ngay việc quảng cáo trên các video có nội dung xấu, độc và phản động trên YouTube. Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp, thương hiệu đã cho dừng và rà soát lại quảng cáo.

Doanh nghiệp tuân thủ yêu cầu

Sau khi nhận được công văn số 938/PTTH&TTĐT Cục PTTH&TTĐT cảnh báo tình trạng tái xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng trong clip có nội dung vi phạm pháp luật trên mạng xã hội YouTube, phía Grab cho biết đã tạm ngừng chạy các quảng cáo hiển thị trên tất cả trang phát video của YouTube (display ad on YouTube watch page).

Grab cũng cho biết tiến hành gửi văn bản chính thức đến Google yêu cầu ngừng việc đăng tải quảng cáo của Grab trên các chương trình tự động gắn quảng cáo vào video trên mạng xã hội YouTube mà không kiểm soát nội dung video được gắn.

Sàn thương mại điện tử Shopee cho biết đã yêu cầu đối tác quảng cáo Google cung cấp danh sách những trang quảng cáo phù hợp. Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ hơn, Shopee cũng rà soát, gỡ bỏ và kịp thời cảnh báo cho các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm hoạt động quảng cáo một cách phù hợp với các qui định pháp luật hiện hành.

Phía FPT Shop thì cho biết, qua rà soát cho thấy quảng cáo của Cty bị chèn vào clip có nội dung độc hại là do nhãn hàng Honor tự chạy từ ngày 22.1.2019 và đã kết thúc vào ngày 28.2.2019, có dẫn link về trang web của FPT Shop (FPT Shop là đại lí bán hàng của nhãn hàng này).

Uẩn khúc từ đâu?

Các doanh nghiệp bị “dính chưởng” quảng cáo gắn với video có nội dung xấu, độc đều cho biết không hề có chủ đích phát quảng cáo gắn vào các video có nội dung vi phạm, mà gốc rễ vấn đề là do chương trình chạy tự động của YouTube đã gắn các quảng cáo của doanh nghiệp, thương hiệu vào những video có nội dung xấu, độc.

(nguồn: marketingreview.vn).

Theo chuyên gia truyền thông Huỳnh Thanh Phi, chương trình chạy quảng cáo tự động trên YouTube theo thuật toán của mạng xã hội này, có thể các doanh nghiệp cũng không hề hay biết bị “dính chưởng” như vậy.

Một chuyên gia truyền thông khác (xin được miễn nêu tên) đang giữ trọng trách cao tại một Cty chuyên về tiếp thị số khá nổi tiếng tại TP.HCM hé lộ thêm uẩn khúc: “Trên thực tế, YouTube có một “white list” - danh sách các clip có nội dung phù hợp và an toàn. Vấn đề là các đại lí quảng cáo cho doanh nghiệp có biết để mà chọn lựa hay không. Nếu chọn lựa theo “white list” đó để gắn - cho hiển thị mẫu quảng cáo của khách hàng doanh nghiệp thì sẽ không xảy ra tình trạng như vừa qua”.

Tuy nhiên, theo nhận định của Cục PTTH&TTĐT, các doanh nghiệp cũng là một trong những chủ thể vi phạm hoặc có trách nhiệm liên quan để xảy ra tình trạng quảng cáo gắn với nội dung xấu, độc và phản động vì đã thiếu thường xuyên kiểm tra, rà soát xem các mẫu quảng cáo của mình trên YouTube.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn