MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng ở Bình Dương trao đổi các kiến nghị về vốn vay. Ảnh: Nguyên Vỹ

Doanh nghiệp sản xuất ở Bình Dương than vẫn khó tiếp cận vốn vay

ĐÌNH TRỌNG LDO | 22/03/2023 17:14

Ngày 22.3, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp”. Có hơn 80 doanh nghiệp và các hiệp hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương tham gia chia sẻ ý kiến xoay quanh vấn đề về vốn vay.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến chia sẻ cho rằng, sau đại dịch COVID-19, rồi đến chiến tranh tại các nước, lạm phát, đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp ngành may mặc, gỗ, da giày. Nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu nguyên liệu, mất đơn hàng.

Ở những doanh nghiệp gặp khó khăn thì đang phải đối mặt với các nguy cơ phá sản, giải thể. Do đó, việc được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn chờ thị trường "ấm" trở lại.

Thế nhưng, vấn đề thanh khoản, e sợ nợ xấu, khiến ngân hàng chưa có chính sách thực sự nới lỏng để doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn vay.

Khi làm thủ tục vay, các doanh nghiệp bị "sốc" với lãi suất cao, cũng như yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, những khó khăn vừa qua khiến các doanh nghiệp không còn nhiều tài sản thế chấp.

Về vay tín chấp phải có phương án kinh doanh tốt nhưng với tình hình kinh tế hiện tại khó có phương án kinh doanh tốt để doanh nghiệp và ngân hàng gặp nhau.

Những trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thị trường ở trong nước, có đơn hàng, có nhu cầu vay thì lại không có nhiều tài sản thế chấp để vay.

 Đại diện Hiệp hội cơ điện trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Nguyên Vỹ

Về lãi suất, doanh nghiệp cũng cho rằng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành nhưng lãi suất ngân hàng thương mại vẫn còn ở mức cao. Đề nghị các ngân hàng thương mại đưa lãi suất xuống thì nền sản xuất sẽ phát triển mạnh hơn sẽ có lợi cho tất cả.

Thời gian tới, ngân hàng và doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại để hiểu nhau hơn.

Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết sẽ tiếp thu và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp về quy trình vay vốn còn nhiều khó khăn, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết phải đi tìm hiểu kỹ hơn mới đánh giá chính xác được. Cần có những buổi làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp mà hiệp hội phản ánh lên để xem vướng ở ngân hàng nào mà tháo gỡ vấn đề này...

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, ông Nguyễn Văn Dành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Dương cần chỉ đạo ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các chỉ thị liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, nhằm làm sao để trở thành động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đối với ngân hàng thương mại thì cần chủ động gặp gỡ từng doanh nghiệp để ghi nhận các khó khăn, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc. Bởi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của ngân hàng, do đó cần linh động quy trình cho vay theo điều kiện thực tế, đa dạng hình thức cho vay, sản phẩm vay.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, cái gì có thể giảm chi phí được cho doanh nghiệp thì giảm. Trên tình hình đơn đặt hàng không có, hàng hóa bán không được, dòng tiền về không kịp thì nghiên cứu cách nào giãn nợ, hoãn nợ, để doanh nghiệp cơ cấu lại dòng tiền, có điều kiện tái sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn