MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ba doanh nghiệp chiếm phần lớn thị phần ngành thép đã chìm trong thua lỗ. Ảnh: Thu Giang

Doanh nghiệp thép lún sâu vào thua lỗ, có thể kéo dài hết nửa đầu năm nay

Đức Mạnh LDO | 28/01/2023 11:32

Giới phân tích đánh giá lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm, nhưng dần phục hồi vào cuối năm nhờ khả năng phục hồi nhu cầu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Quãng thê thảm của ngành thép

Nắm phần lớn thị phần ngành thép, việc ba cái tên lớn là Hoà Phát, Thép Việt Nam và Thép Nam Kim báo lỗ đã vẽ lên bức tranh xám màu của toàn ngành trong năm qua.

Cụ thể, ông lớn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) ghi nhận doanh thu quý IV/2022 u ám với khoản lỗ kỷ lục gần 2.000 tỉ đồng. Đây là quý thứ 2 doanh nghiệp này lỗ nặng liên tiếp. 

Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 142.000 tỉ đồng, giảm 5% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỉ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, mã chứng khoán: TVN) bão lỗ sau thuế 410 tỉ đồng trong quý lV/2022, nối tiếp quý lỗ kỷ lục trước đó (lỗ 535 tỉ đồng). Theo đó, TVN ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 8.100 tỉ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Công ty vẫn có lãi gộp 309 tỉ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, TVN còn phải gánh chịu phần lỗ hơn 400 tỉ đồng từ các công ty con trong hệ sinh thái. Các chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần một nửa xuống 218 tỉ đồng nhưng vẫn không đủ để giúp VNSteel thoát lỗ.

Sau khi hạch toán hết các nguồn thu nhập và chi phí, Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) báo lỗ sau thuế hơn 356 tỉ đồng trong quý IV/2022. Đây là quý lỗ gộp và lỗ ròng thứ hai liên tiếp của doanh nghiệp chuyên về tôn mạ và ống thép này.

Tính chung cả năm 2022, doanh thu của Nam Kim giảm 18% còn gần 23.100 tỉ đồng. Lãi gộp sụt 64% còn 1.542 tỉ đồng. Lỗ sau thuế 66,7 tỉ đồng trong khi năm trước có lãi hơn 2.200 tỉ đồng. Đây là năm thua lỗ đầu tiên của Nam Kim trong một thập kỷ qua.

Sau hai quý khó khăn, Hòa Phát đánh giá: "Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục". Ảnh: Trần Nghi

Nửa cuối năm 2023 mới có thể hết khó

Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, các nhà sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và dư thừa nguồn cung từ cuối năm 2022.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60 - 75% so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021.

Điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỉ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới. Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỉ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020 - 2021.

  Lợi nhuận của ngành thép đã phản ảnh trực tiếp vào giá cổ phiếu. Ảnh: SSI Research

P/E dự phóng năm 2023 của ngành nằm trong khoảng 10 - 20x. SSI nhận thấy con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử là 8 - 10x và cao hơn cả mức định giá trong thời kỳ suy thoái là 10 - 13x.

Mặt khác, P/B của các cổ phiếu chủ chốt như HPG, HSG và NKG hiện nằm trong khoảng 0,6 - 1x. Con số này thấp hơn 20% so với mức trung bình lịch sử nhưng vẫn cao hơn 20 - 30% so với mức định giá thấp trong các thị trường giảm giá trước đó (giai đoạn năm 2011 hoặc tháng 3.2020).

SSI không kỳ vọng P/B của các công ty thép sẽ phục hồi đáng kể trong ngắn hạn do ROE có thể sẽ ở quanh mức thấp lịch sử trong năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn