MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá cà phê đang xuống thấp cùng với siết hạn mức tín dụng đang làm khó người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn

Doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu ở Gia Lai gặp khó vì thiếu vốn

THANH TUẤN LDO | 23/11/2022 15:46

Trước việc Ngân hàng nhà nước siết hạn mức tín dụng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị cân nhắc ưu tiên cấp hạn mức tín dụng và giải ngân cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang gặp khó khăn.

Gia Lai đang bước vào mùa thu hoạch cà phê, trên các nương rẫy hạt cà phê bắt đầu chín rộ, nhưng vẻ mặt người nông dân thì buồn lo.

Mới đầu niên vụ cà phê 2022-2023, giá cà phê giảm xuống mức dưới 40.000 đồng/kg. Tại huyện Ia Grai, một địa phương có diện tích cà phê lớn của Gia Lai, các công ty thu mua nông sản cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài”, hạn chế hàng nhập vào, nguyên nhân là do thiếu vốn.

Kho hàng của công ty nông sản xuất khẩu Tây Nguyên còn nhiều diện tích trống. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Nguyễn Minh Đường – Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên cho biết, thời điểm này mọi năm công ty thu mua vào ít nhất 4.000-5.000 tấn cà phê, cả niên vụ khoảng 20.000 tấn. Tuy nhiên, hiện tại các kho chứa hàng của công ty mới đưa vào khoảng 2.000 tấn, nhiều kho hàng để trống.  

Công ty cần vốn vay ngân hàng để thu mua, trả tiền cà phê của 3.000 nông hộ và 11 doanh nghiệp sản xuất cà phê đóng chân trên địa bàn huyện Ia Grai. Ngân hàng thương mại hiện đã hết room và doanh nghiệp phải chờ qua năm 2023 mới có nguồn vốn vay tiếp.

“Không có vốn để trả tiền hàng thu mua cà phê cho bà con nông dân, tiền kho bãi, phơi sấy cà phê. Doanh nghiệp đói vốn gặp khó khăn, trong khi các hợp đồng thương mại xuất khẩu cà phê chủ yếu qua thị trường Châu Âu đã ký kết. Nếu cung cấp không đủ nguồn hàng hoặc cung cấp thiếu, doanh nghiệp sẽ bị phạt hợp đồng từ 5 -10% giá trị đơn hàng.

Nguy hại hơn là mất uy tín với đối tác nước ngoài và những năm sau rất khó để ký lại hợp đồng cung cấp cà phê cho họ. Cùng với người nông dân, doanh nghiệp cũng phải gồng mình chịu thiệt hại do siết room tín dụng”, ông Nguyễn Minh Đường chia sẻ.

Người nông dân phải chấp nhận bán cà phê với mức giá thấp. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai cho hay, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Gia Lai, mang lại giá trị kinh tế rất lớn hàng năm. Nếu nguồn cung tín dụng thông suốt như mọi năm thì thị trường sẽ sôi động hơn.

Khi các doanh nghiệp tập trung thu mua, có sự cạnh tranh về giá thì người nông dân được lợi. Bây giờ doanh nghiệp thu mua èo uột, cầm chừng vì đói vốn, còn người nông dân thì phải bán cà phê với mức giá thấp.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, một số doanh nghiệp nông sản đã phản ánh, kiến nghị về nhu cầu vốn thu mua cà phê niên vụ 2022-2023. Việc Ngân hàng nhà nước siết hạn mức tín dụng là đang thực hiện các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, vì lợi ích của nông dân trồng cà phê và giá trị xuất khẩu của ngành cà phê, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét, cân nhắc có chính sách hỗ trợ hạn mức vay vốn cho các doanh nghiệp thu mua nông sản. Đặc biệt là vào thời gian cao điểm tháng 11, 12.2022 và tháng 1.2023.

Theo ước tính, Gia Lai có sản lượng cà phê đạt khoảng 250.000 tấn/năm, riêng cà phê dành cho xuất khẩu chiếm tới 85% tổng sản lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn