MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp thủy sản lấn sân sang thị trường bất động sản nhưng chưa thành công. Ảnh: Chụp màn hình

Doanh nghiệp thủy sản ngậm trái đắng vì lấn sân bất động sản

Quang Dân LDO | 12/01/2024 06:19

"Vua tôm” Minh Phú không phải là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên lấn sân sang lĩnh vực bất động sản trong khoảng một thập kỷ qua. Trước đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã ngậm trái đắng với lĩnh vực bất động sản.

"Vua tôm" Minh Phú lấn sân bất động sản

Ngày 8.1.2024, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã UPCoM: MPC) công bố thông tin bất thường gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc ban hành Điều lệ công ty đã điều chỉnh Khoản 1, Điều 4. Lý do điều chỉnh: Đã hoàn tất bổ sung ngành nghề kinh doanh.

Trước đó, tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 28.12.2023, “Vua tôm” Minh Phú thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Cuối tháng 11.2023, HĐQT CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương dự án Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Dự án có quy mô hơn 17,6ha, tổng vốn đầu tư 632,8 tỉ đồng, phục vụ quy mô dân số 3.200-3.800 người.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án nhà ở xã hội theo quy hoạch được duyệt; tạo quỹ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy định pháp luật.

Lấn sân bất động sản, nhiều doanh nghiệp thủy sản ngậm trái đắng

"Vua tôm” Minh Phú không phải là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên lấn sân sang lĩnh vực bất động sản trong khoảng một thập kỷ qua. Trước đó, Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (UPCoM: SSN), CTCP Hùng Vương (UPCoM: HVG) từng "ngậm trái đắng" khi đầu tư lĩnh vực bất động sản.

Tháng 4.2023, CTCP Nam Việt bất ngờ thông qua kế hoạch giải thể công ty con mới thành lập trong lĩnh vực bất động sản sau 1 năm thành lập. Lý do được đưa ra là vì không còn nhu cầu hoạt động kinh doanh.

Trước đó vào tháng 3.2022, Công ty Nam Việt đã thông qua việc góp vốn vào Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Nam Việt (BĐS Nam Việt) và bổ nhiệm ông Doãn Chí Thiên làm người đại diện góp vốn, cụ thể là góp 81 tỉ đồng, tương đương chiếm 100% vốn điều lệ. Ông Doãn Chí Thiên (1989) là con trai ông Doãn Tới - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Việt.

Trong khi đó, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, UPCoM: SSN), tiền thân là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, từng góp mặt trong nhóm doanh nghiệp thủy sản lớn nhất cả nước với doanh thu lên đến 830 tỉ đồng năm 2007.

Thế nhưng vào giai đoạn ngành thủy sản rơi vào thoái trào từ cuối năm 2011, Seaprodex Sài Gòn bị ảnh hưởng không nhỏ khi khoản lỗ tăng lên vài chục tỉ đồng. Sau khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn, Seaprodex Sài Gòn bắt đầu tự chủ tài chính và cơ cấu lại hoạt động theo hướng tập trung đầu tư vào bất động sản nhằm khai thác quỹ đất, kho bãi sẵn có.

Tuy nhiên, theo biên bản họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Seaprodex Sài Gòn cho biết, nhiều dự án lớn của công ty đã xây xong, giao căn hộ nhưng pháp lý vẫn không xong được, bằng chứng là không ra được sổ đỏ.

Như vậy, từ vị thế là ông lớn thủy sản có doanh thu đến hơn 800 tỉ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2007, hiện nay, sau thời gian dài chuyển sang mảng bất động sản, doanh thu của Seaprodex Sài Gòn chỉ còn chưa đến 20 tỉ đồng.

"Vua cá tra" thoái vốn công ty bất động sản

Tương tự CTCP Hùng Vương (UPCoM: HVG) doanh nghiệp gắn liền với danh xưng "Vua cá tra" Hùng Vương, từng đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu thủy sản, với doanh thu vài chục nghìn tỉ đồng mỗi năm cũng đã phải gác lại giấc mơ tham gia vào lĩnh vực bất động sản của mình khi thị trường gặp khó.

Theo đó, từ khi thành lập đến nay, Hùng Vương không ngừng đầu tư mở rộng, góp vốn vào các công ty. Tuy nhiên, căn cứ theo thực tế hoạt động, và tháng 8.2017, “Vua cá tra” Hùng Vương đã quyết định thanh lý các bất động sản và thực hiện thủ tục giải thể đối với Công ty Cổ phần Địa ốc An Lạc do Hùng Vương nắm giữ 76% vốn chủ sở hữu.

Danh sách các tài sản thanh lý bao gồm: 94 Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6: diện tích sử dụng 1.488,5m2; 96 Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6: diện tích sử dụng 1.123,1m2; 765 Hồng Bàng, phường 6, quận 6: diện tích sử dụng 5.643,0m2; Khu đất theo tờ bản đồ số 7, số thửa 23-24-25-30, xã Long Thới, huyện Nhà Bè: diện tích sử dụng 11.903m2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn