MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp. Ảnh: Yến Phương

Doanh nghiệp, tiểu thương cần đổi mới để kích cầu mua sắm

YẾN PHƯƠNG LDO | 24/01/2024 08:37

Mặc dù chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng nhìn chung sức mua hàng Tết ở chợ và các kênh truyền thống tại TP Cần Thơ chỉ ở mức cầm chừng.

Mặt hàng Tết lên kệ, không khí chợ Tết đìu hiu, sức mua giảm, tiểu thương ngồi đợi khách, lượng người xem nhiều hơn người mua… là những gì mà phóng viên Báo Lao Động ghi nhận được tại hệ thống cung ứng hàng hoá của các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Cần Thơ.

Trao đổi với Báo Lao Động, Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp (ảnh) cho rằng, từ thực tế thị trường mua sắm Tết hiện nay, các doanh nghiệp, tiểu thương tại TP Cần Thơ nên có sự đổi mới, mở rộng kênh mua sắm, chủ động tạo sợi dây liên kết... để kích cầu mua sắm mùa Tết của người tiêu dùng.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, dịp Tết bao giờ cũng được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, nhất là làm sao để cung ứng đủ lượng hàng hoá cho nhu cầu tăng cao của người dân, cho việc chi tiêu ngày Tết.

Bên cạnh đó, đây cũng chính là cơ hội kinh doanh của các tư nhân, doanh nghiệp.

Ở tầm quốc gia, dịp cuối năm Bộ Công Thương đã phát động chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia” trên phạm vi toàn quốc, gắn với trước, trong và một phần sau Tết. Theo đó, trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp có thể thực hiện triển khai chương trình khuyến mại lên tới 100%.

Do đó, Cần Thơ phải tận dụng chương trình này để kích cầu tiêu dùng trên địa bàn. Hiện nay, dẫu biết rằng, các doanh nghiệp luôn có kế hoạch trước để chuẩn bị kinh doanh dịp Tết. Tuy nhiên, Cần Thơ phải nhìn thấy lợi thế hết sức đặc biệt của thành phố là một trung tâm về nhiều mặt để phát huy thực sự hiệu quả.

Không chỉ là trung tâm về vị trí địa lý mà Cần Thơ còn là trung tâm giao thương, lợi thế về hạ tầng logistics, đặc biệt là trung tâm đầu mối phân phối lượng hàng hoá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính vì vậy, thành phố cần chú trọng phát huy mạnh 2 hệ thống kinh doanh. Trước tiên là hệ thống bán sỉ, tức cung ứng hàng hoá cho các địa phương khác trong vùng kết nối. Tiếp đến là hệ thống bán lẻ, bởi nơi đây tập trung đông đảo người dân, du khách.

Về hệ thống bán lẻ, từ trước tới nay các tiểu thương chỉ quen với việc mua bán tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, chợ truyền thống của những năm gần đây đã bị tác động rất lớn, nhiều tiểu thương cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm, tồn hàng, khó khăn trong việc kinh doanh, mua bán.

Như vậy, những doanh nghiệp, tiểu thương cần phải xây dựng các kênh bán hàng để tiếp cận với xu hướng mới. Trong đó, thương mại điện tử là kênh bán hàng cần khai thác mạnh, bởi nó có lợi thế rất lớn khi vượt ra khỏi không gian vật lý.

Song, kênh thương mại điện tử không thể tự phát được mà thành phố phải có những chương trình để hỗ trợ, đặc biệt cần phải có sự chủ động từ chính quyền đến các doanh nghiệp, nhằm tiếp cận, tăng sự trải nghiệm, tương tác mua sắm đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, những năm qua thị hiếu của người dân về cách chi tiêu mua sắm cũng chuyển dần một phần sang kênh phân phối sản phẩm của các hệ thống siêu thị, thay thế các chợ truyền thống chủ yếu ngày trước. Do đó, các siêu thị cần chuẩn bị hàng Tết nâng cao từ chất lượng đến mẫu mã, đẩy mạnh chương trình khuyến mại, quảng bá, giới thiệu những sản phẩm để kết nối được đến người tiêu dùng.

Cũng theo ông Hiệp, chính yếu là các doanh nghiệp, tiểu thương phải xác định được những phân khúc khách hàng quan trọng, chứ không thể ngồi chờ những khách vãng lai đi mua sắm.

“Cần Thơ - với những lợi thế của trung tâm thương mại, hoàn toàn có thể tận dụng dịp Tết này là thời điểm kích cầu để tăng lượng chi tiêu, mua sắm ngày Tết” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn