MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp ráo riết tăng khuyến mãi cuối năm. Ảnh: DN

Doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí, kích cầu tiêu dùng cuối năm

LAN NHI LDO | 07/11/2022 06:30
Hình thức khuyến mãi đang là một giải pháp kích cầu tiêu dùng cuối năm được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, kinh doanh.

Giảm giá để kích cầu

Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản Vissan - cho biết, doanh nghiệp sẽ giảm giá từ 20 - 40% mặt hàng thịt lợn trong tháng 11. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi và chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp đang phải rà roát lại tất cả các chi phí nhằm hạn chế tối đa chi phí, tạo nguồn kích cầu. 

Khi tham gia chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội 2022, theo ông Nguyễn Quý Tân - Giám đốc Siêu thị Media mart Mỹ Đình (Hà Nội), đơn vị cũng phải làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa và các chương trình khuyến mại tốt cho người tiêu dùng với các mức giảm giá từ 15 - 70% cho hơn 30.000 sản phẩm; tập trung vào các mặt hàng tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, gia dụng, sản phẩm công nghệ…

Tại hệ thống Siêu thị điện máy PICO, phía doanh nghiệp này cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho tháng khuyến mại từ việc chuẩn bị ngân sách, cho đến việc đàm phán với các nhà sản xuất nhằm có thể giảm giá các mặt hàng 20 - 30% trong tháng 11 và thậm chí có thể giảm giá sâu tới trên 50%.

Khuyến mãi hàng loạt nhằm kiềm chế tăng giá

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart - cho hay, hệ thống bán lẻ của chuỗi Saigon Co.op đã tăng lượng dự trữ hàng hóa từ 30 - 50%, tập trung giảm giá mạnh cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong dịp Tết 2023. Đơn vị này dự kiến sức mua sẽ tăng cao trong thời gian tới đây.

Trong khi đó theo thống kê từ Sở Công Thương TPHCM, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị dự trữ khoảng 40.000 tấn hàng hóa để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cao điểm Tết Quý Mão 2023. Đáng chú ý, Sở Công Thương đã đôn đốc các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, dự trữ nguồn hàng chiếm khoảng 25 - 43% so với nhu cầu của khách hàng trên địa bàn TPHCM. Đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. 

Tại Hà Nội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sơ sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao. 

Đồng thời yêu cầu các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Thành phố cũng sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán...; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022, chủ động về hàng hóa, ổn định giá cả để góp phần ổn định thị trường trong dịp Tết, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô trong dịp Tết năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn